Đề minh họa thi lớp 10 tại TP.HCM: Thầy và trò đều phải thay đổi

Đề minh họa thi lớp 10 tại TP.HCM theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh điều chỉnh cách học.

Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau Hà Nội, vào chiều 2-10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố đề minh họa thi lớp 10 của 3 môn Văn, Toán và tiếng Anh.

Học sinh bớt hoang mang

Là lứa học sinh đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình mới nên ban đầu Lê Phùng Bảo Châu, học sinh (HS) lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) cảm thấy hơi hoang mang vì không biết học như thế nào, đề thi sẽ ra sao.

“Việc Sở GD&ĐT TP.HCM công bố đề tham khảo đã giải tỏa áp lực, giúp em định hướng được việc học chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới” - Châu nói.

 Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo Châu, trong 3 môn thì môn Văn thay đổi nhiều nhất khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và chỉ còn 2 phần thay vì 3 phần như trước.

“Điều này khiến em phải tăng cường đọc thêm sách, theo dõi thông tin báo chí để nắm bắt trend mạng xã hội cũng như nắm vững kỹ năng phân tích thể loại”- Châu cho biết.

Bạn cùng lớp Châu là Trần Đức Hoàn bộc bạch, việc sớm công bố đề minh họa thi lớp 10 giúp HS khoanh vùng được các kiến thức, ôn tập tốt hơn.

“Đề toán vẫn tập trung vào ứng dụng thực tế, bổ sung thêm phần xác suất thống kê. Trong khi đó, môn tiếng Anh có điểm mới ở câu 35, 36 theo dạng bài thi quốc tế” - Hoàn chia sẻ.

Thạch Huỳnh Bảo Vy, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) cho rằng đề Văn khiến HS bất ngờ vì dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, đòi hỏi phải nắm thật chắc đặc trưng thể loại. Trong khi đó, môn tiếng Anh ít thay đổi, không đánh đố. Môn Toán vẫn tập trung vào toán thực tế.

“Em sẽ lên kế hoạch học tập để bắt kịp với sự thay đổi của đề thi năm nay” - Bảo Vy chia sẻ.

Hết thời học tủ, học vẹt

Thầy Nguyễn Trọng Dương, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6) đánh giá đề minh họa thi lớp 10 bám sát mục tiêu chương trình mới (tức dạy học theo đặc trưng thể loại).

 Học sinh lớp 9 năm nay sẽ là lứa đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 9 năm nay sẽ là lứa đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đề thi môn Văn gồm 2 phần: Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn (5 điểm); đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc thông tin và viết bài văn (5 điểm). Trước đây, đề gồm 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

“Đề đã phát huy được sự sáng tạo của HS. Với chương trình 2006, HS có thể học tủ, học vẹt, còn với đề này HS muốn làm bài phải đọc, hiểu được ngữ liệu sau đó mới tạo lập được văn bản”.

Thầy Nguyễn Trọng Dương

Cạnh đó, đề có sự phân hóa khá rõ, HS yếu và trung bình khó đạt điểm cao. Tất cả ngữ liệu được lấy ngoài sách giáo khoa, đề kiểm tra được khả năng đọc hiểu cũng như kỹ năng tạo lập văn bản của HS.

“Vì thế giáo viên khi dạy phải tập trung đặc trưng thể loại để HS có thể hiểu và phân tích” - thầy Dương nói.

Theo thầy Dương, việc công bố đề minh họa sớm đã giải tỏa áp lực cho HS, phụ huynh và chính giáo viên dạy lớp 9. Nó giúp giáo viên định hướng trong công tác giảng dạy, phụ huynh cũng yên tâm hơn.

Một giáo viên dạy Văn tại quận Gò Vấp chia sẻ đề minh họa thi lớp 10 khó với HS ở các vùng ven, ngoại thành. “Đề bắt buộc thầy và trò cùng phải chuyển động. Giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy, HS phải rèn tư duy, học kỹ năng thay vì học tủ, học vẹt, học mẫu như trước” - cô nhận định.

Ngay sau khi có đề minh họa, cô giáo này cho hay sẽ dạy theo dạng đề, soạn thêm nhiều đề mới với ngữ liệu tương tự để HS từng bước nhận diện đề và làm quen.

 Một giờ học của học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Một giờ học của học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Với môn Toán, đề thi có 7 bài, gồm kiến thức về hình học và đo lường, số và đại số, thống kê và xác suất, thuộc chương trình lớp 8, 9.

Thầy Thới Công Lộc, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp), nhận xét số lượng bài trong đề có giảm so với chương trình cũ. Tuy nhiên, việc giảm số lượng câu hỏi không đồng nghĩa với đề sẽ dễ hơn.

Đề có điểm mới là dạng toán về xác suất thống kê, HS dễ lấy điểm vì chủ đề này ở chương trình cấp 2 không quá sâu. Dạng toán minh họa cũng vừa sức, thực tế cho thấy HS tiếp thu và giải quyết dạng bài này khá tốt.

Trong đề minh họa, điều khiến thầy Lộc băn khoăn chính là dạng toán thực tế đưa về phương trình, hệ phương trình. So với đề thi theo chương trình cũ, dạng toán thực tế đã giảm từ 5 câu xuống 4 câu nhưng vẫn giữ số điểm 4,5.

Số lượng bài thay đổi nhưng điểm số dạng toán này vẫn giữ nguyên. Hơn nữa toán thực tế theo đề minh họa rộng hơn vì có thêm chủ đề xác suất thống kê, có khả năng có phương trình bậc 2 nên giáo viên khá lo lắng.

Thầy Thới Công Lộc

Liên quan đến bài hình học (3 điểm), lượng kiến thức đã ít hơn và dễ hơn so với đề thi chương trình cũ vì chương trình mới đã lược bỏ kiến thức hàn lâm. Đề rõ ràng, câu hỏi phân hóa trong bài cũng định lượng là một câu tính về các diện tích, thể tích...

“Nhìn chung, những yêu cầu trong đề minh họa nhẹ hơn so với đề thi theo chương trình giáo dục 2006 “ - thầy Lộc bày tỏ và mong Sở GD&ĐT TP.HCM nghiên cứu kỹ yêu cầu cần đạt của chương trình để làm sao đề thi chính thức không quá lệch.

Với đề thi này, tổ chuyên môn sẽ sinh hoạt để các giáo viên nắm vững tinh thần, có kế hoạch giảng dạy phù hợp. Đối với các đơn vị kiến thức có liên quan đến kỳ thi lớp 10 sẽ có sự lồng ghép để HS dần làm quen.

 Cô Nguyễn Thị Hải Lý, giáo viên môn tiếng Anh và tập thể lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Cô Nguyễn Thị Hải Lý, giáo viên môn tiếng Anh và tập thể lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Thầy Võ Thanh Quan, Tổ trưởng tổ Toán Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) đánh giá trong đề minh họa thi lớp 10, toán thực tế vẫn chiếm đa số. Điều này giúp HS biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế, khuyến khích tinh thần tự học.

Với dạng toán xác suất thống kê, HS phải đọc kỹ đề để biết cách làm, tránh học vẹt.

 Học sinh lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đề minh họa thi lớp 10 môn tiếng Anh gồm 4 phần với 40 câu: ngữ âm (1 điểm); từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp (3 điểm); đọc hiểu (3 điểm) và viết (4 điểm).

Cô Lê Thị Bích Thủy, Tổ trưởng tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp), cho hay đề tiếng Anh không thay đổi nhiều.

Điểm mới trong đề thi là 2 câu 35, 36 viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Đây là 2 câu dùng để phân loại, muốn làm tốt HS phải biết đọc từ điển Anh - Anh để vận dụng.

“Tôi sẽ triển khai ngay cho tổ chuyên môn, áp dụng cả 4 khối theo lộ trình từ dễ đến khó và tăng dần lên để HS thích nghi. Giáo viên sẽ tăng cường các dạng bài tập để HS làm quen. Đề không quá khó, do đó HS nắm đúng, đủ chuẩn kiến thức sẽ dễ dàng giải quyết” - cô Thủy cho hay.

Đồng quan điểm, một giáo viên tại quận 12 nhận xét: “Theo tôi, điểm mới của đề tham khảo là câu 35 và 36. 2 câu mới về cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức vào bài làm”.

Phương án thi lớp 10 được Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia công bố vào ngày 2-10. Mỗi thí sinh đăng ký dự thi bắt buộc phải thi 4 bài thi, trong đó, 3 bài thi môn không chuyên (Toán, Ngữ văn và tiếng Anh); 1 bài thi môn chuyên tự chọn trong số các môn (Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và tiếng Anh).

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-minh-hoa-thi-lop-10-tai-tphcm-thay-va-tro-deu-phai-thay-doi-post813141.html