Để mỗi kiều bào không còn cảm giác là 'khách'

Học tập và làm việc tại Đức, TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm luôn đau đáu đem về nước những kiến thức đã học và tiếp thu từ các nước tiên tiến. Chia sẻ với TG&VN, chị gửi gắm nhiều kỳ vọng về phát huy nguồn lực trí thức kiều bào vào phát triển đất nước hiện nay.

TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm và chồng là GS. Eric Hahn nhận chức danh Giáo sư danh dự do trường Đại học Y Hà Nội phong tặng. (Nguồn: NVCC)

TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm và chồng là GS. Eric Hahn nhận chức danh Giáo sư danh dự do trường Đại học Y Hà Nội phong tặng. (Nguồn: NVCC)

Năm 2022, trường Đại học Y Hà Nội đã phong tặng chức danh Giáo sư danh dự cho chị cùng với chồng là GS. Eric Hahn. Chị có thể chia sẻ về mối nhân duyên của mình, cũng như niềm vinh dự được nhân đôi này?

Chúng tôi gặp nhau cách đây gần 20 năm chính tại trường Đại học Y Hà Nội. Năm đó, tôi là sinh viên năm thứ ba còn anh là sinh viên trao đổi từ trường Đại học Y Charité, gặp nhau lần đầu ở Bệnh viện Việt -Đức.

Chính chồng tôi là người truyền cảm hứng cho tôi đi theo lĩnh vực tâm thần và trị liệu tâm lý, lúc đó còn rất mới mẻ đối với một bác sĩ mới ra trường như tôi.

Anh cũng là bác sĩ tâm thần và trị liệu tâm lý, trưởng nhóm nghiên cứu về rối loạn tâm thần tại trường Đại học Y Charité và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này ở Đức.

Anh đã luôn đồng hành với tôi trong việc xây dựng trung tâm cho cộng đồng người Việt và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Được nhận danh hiệu Giáo sư danh dự là một niềm vinh hạnh lớn đối với tôi. Đặc biệt, trong lịch sử trường Đại học Y Hà Nội, tôi là cựu sinh viên đầu tiên của trường được nhận danh hiệu này. Điều này cổ vũ tôi tiếp tục đóng góp cho ngành tâm thần học Việt Nam và cho sự phát triển hợp tác giữa hai trường và xa hơn là hợp tác giữa hai nước.

Niềm vui lại được nhân đôi khi cả hai vợ chồng tôi cùng được nhận danh hiệu cao quý này, khiến chúng tôi càng quyết tâm theo đuổi con đường mà cả hai đã chọn.

Được biết chị đã có nhiều dự án nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai trường đại học trong thời gian qua?

Ngay từ khi mới học tập và làm việc tại Đức, tôi đã luôn đau đáu trở về nước, đem những kiến thức thu nạp được từ các nước tiên tiến để phát triển ngành tâm thần tại Việt Nam. Tôi may mắn khi có những đồng nghiệp cùng mục tiêu tại Khoa Tâm thần trường Đại học Y Hà Nội như PGS. Nguyễn Văn Tuấn, BS. Lê Công Thiện hay BS. Nguyễn Văn Phi.

Từ năm 2017, chúng tôi đã xây dựng chương trình hợp tác giữa hai khoa, được chính phủ Đức tài trợ trong Chương trình toàn cầu hợp tác bệnh viện. Chúng tôi cũng nhận được tài trợ của Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) để xây dựng chương trình hợp tác giữa hai trường.

Mục tiêu hàng đầu của chương trình hợp tác đó là phát triển nguồn nhân lực như giảng dạy cho sinh viên, học viên sau đại học, đào tạo bác sĩ chuyên khoa và đào tạo tiến sĩ, tăng cường nghiên cứu khoa học và góp phần hiện đại hóa ngành tâm thần tại Việt Nam.

Những đóng góp của dự án đã được nhấn mạnh tại kỳ họp đàm phán chính phủ về hợp tác phát triển giữa hai nước vào tháng 7/2021 và được đề nghị tiếp tục phát triển dự án hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Tháng 10 vừa qua, trong khuôn khổ của dự án, chúng tôi đã tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế “Vietnam on the spotlight of global mental health strengthening”. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác giữa hai trường và hai nước ngày càng phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế.

Xin chị cho biết về hoạt động của Trung tâm tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng người Việt tại Đức (Spezialambulanz für Vietnamesische Migrant:innen) được thành lập cách đây hơn 10 năm?

Trung tâm được thành lập từ năm 2010 trực thuộc Viện tâm thần và trị liệu tâm lý, Campus Benjamin Franklin tại Viện trường Đại học Y Charité Berlin, với mục tiêu tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng nhập cư người Việt tại Đức phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt.

Có thể nói trung tâm là mô hình mới tiên phong cho nâng cao sức khỏe tâm thần cho người nhập cư Việt nói riêng và cho người nhập cư tại Đức nói chung.

Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã đề ra bốn mảng hoạt động quan trọng của Trung tâm.

Đầu tiên là điều trị và tư vấn các rối loạn tâm thần và các rối nhiễu tâm trí bằng cách áp dụng những phương pháp hiện đại nhất trong tâm thần và tâm lý học.

Mảng thứ hai là nghiên cứu khoa học tăng hiểu biết về rối loạn tâm thần của người Việt.

Mảng thứ ba là đào tạo nâng cao kiến thức liên văn hóa cho sinh viên trường Y, các bác sĩ, trị liệu viên tâm lý, nhân viên xã hội người Đức… trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người nhập cư.

Mảng thứ tư là xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người nhập cư Việt kết hợp với cộng đồng người Việt để có những phương pháp điều trị phù hợp với người Việt.

Từ năm 2012, chúng tôi đã xây dựng được một mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần xã hội cho cộng đồng người Việt tại Berlin, đồng thời, phối hợp với bệnh viện Königin Elisabeth tại Berlin mở phòng khám thứ hai cho cộng đồng người Việt tại đây và nâng cao các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân có rối loạn tâm lý và tâm thần tại nhà, giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân.

Trung tâm cũng đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Là một trí thức người Việt ở nước ngoài, chị có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút và phát huy nguồn lực trí thức kiều bào về phát triển đất nước hiện nay?

Kiều bào gốc Việt luôn nỗ lực tại nước họ đang sinh sống, có thể nói là nhóm người nhập cư khá thành công ở khắp các nước châu lục, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nhiều lĩnh vực tại các nước sở tại.

Đó là một nguồn trí thức quý giá và nếu huy động được nguồn lực này, sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển cho Việt Nam. Bởi vì, kiều bào không chỉ đóng góp chuyên môn mà còn có sợi dây tình cảm gắn bó với đất nước, hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ, con người cũng như bối cảnh xã hội tại Việt Nam.

Tôi nghĩ kiều bào, cũng giống như tôi, có thể làm cầu nối giữa Việt Nam với thế giới. Phần lớn, họ mong muốn có cơ hội trở về Việt Nam cũng như mong muốn có thể đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn e dè do chưa có những chính sách lâu dài, ổn định.

Nhiều kiều bào vẫn có cảm giác chỉ là “khách”, phần lớn, chỉ về làm việc một thời gian ngắn theo dự án hợp tác, đặc biệt là các dự án do nước ngoài đầu tư, những cơ hội làm việc lâu dài còn thiếu. Bên cạnh đó, những chính sách thu hút nguồn nhân lực còn chưa tập trung đúng mức tới gia đình (ví dụ như việc làm cho chồng/vợ) và điều kiện học tập của con cái họ.

Vậy theo chị, cần có những chính sách và giải pháp gì tích cực hơn để làm tốt hơn nữa công tác này?

Theo tôi, để làm tốt hơn công tác thu hút và phát huy nguồn lực trí thức kiều bào, chúng ta cần tiếp tục kết nối, tổ chức gặp gỡ thường xuyên, xây dựng mạng lưới, lập danh sách các lĩnh vực chuyên môn các kiều bào trí thức ở nước ngoài.

Một số giải pháp khác như thường xuyên cập nhật những dự án hợp tác giữa hai nước, cập nhật các nhu cầu cần phát triển trong nước ở các lĩnh vực khác nhau như chuyên gia về AI, chuyên gia về tế bào gốc…; kết nối các cơ quan nhà nước, tư nhân, trường Đại học trong nước với trí thức Việt kiều...

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách lâu dài toàn diện cho trí thức Việt kiều về làm việc tại Việt Nam, bao gồm chính sách tiền lương, môi trường làm việc, tạo điều kiện cho gia đình họ có thể cùng học tập, làm việc cũng như hòa nhập với cuộc sống nếu có nguyện vọng sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam.

(thực hiện)

Phạm Thuận

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-moi-kieu-bao-khong-con-cam-giac-la-khach-213159.html