Để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê

Để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tập trung mở rộng diện tích sản xuất, chế biến đạt các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, kết hợp triển khai các giải pháp sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào có trách nhiệm.

Các sản phẩm cà phê chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng thu hút đông đảo khách hàng tin dùng

Các sản phẩm cà phê chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng thu hút đông đảo khách hàng tin dùng

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 165.000 ha cà phê vối và 11.000 ha cà phê chè, năng suất bình quân 3,4 tấn/ha/năm, trong đó có gần 170.000 ha cà phê kinh doanh. Từ các vùng nguyên liệu cà phê ổn định, toàn tỉnh có 170 cơ sở hoạt động chế biến, tổng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường mỗi năm hơn 300 tấn cà phê hòa tan; 4.500 tấn cà phê bột rang xay. Đáng kể toàn tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 50.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu trong năm 2024, tương ứng với tổng giá trị kim ngạch khoảng 170 triệu USD.

“Lâm Đồng là một trong các tỉnh đạt năng suất cà phê cao nhất trong cả nước, đặc biệt sản phẩm cà phê chè được đánh giá đạt chất lượng cao hàng đầu trên thế giới. Trong những năm qua, để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, toàn tỉnh mở rộng diện tích sản xuất cà phê bền vững đạt các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, VietGAP, 4C hơn 86.000 ha…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.

Điển hình như mô hình sản xuất cà phê bền vững của Bình Đông Farm (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) với tổng diện tích chuyên canh 90 ha và 2,5 ha diện tích nhà xưởng chế biến. “Toàn bộ cà phê trên diện tích rộng lớn của Bình Đông Farm được chăm sóc theo quy trình đồng nhất, dinh dưỡng cho cây được chọn lọc kĩ lưỡng, tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất trên thị trường”, Bình Đông Farm cam kết. Qua đó, trong quy trình sơ chế cà phê, Bình Đông Farm tận dụng nguyên lý dòng chảy của lực nước để rửa, loại bỏ tạp chất và những hạt cà phê không đạt chất lượng. Sau sơ chế, Bình Đông Farm tận dụng vỏ cà phê kết hợp với các chế phẩm sinh học ủ thành sản phẩm phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng trở lại cho cây trồng. Ngoài ra, Bình Đông Farm xử lý hệ thống nước thải sau sơ chế cà phê thông qua 3 hồ lắng có sử dụng thêm các chủng men vi sinh, đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường trước khi dẫn ra hệ thống nguồn nước bên ngoài.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc, bên cạnh giải pháp canh tác bền vững, toàn tỉnh Lâm Đồng còn tăng cường giải pháp sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong sản xuất, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê trên địa bàn, cụ thể thu gom, xử lý bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Kết quả được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo chất lượng nông sản đầu ra nói chung, sản phẩm cà phê nói riêng đạt yêu cầu xuất khẩu với tổng giá trị kim ngạch 170 triệu USD trong năm 2024 nói trên.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành cà phê tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển bền vững, nhất là trong quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm. Bởi vậy, để nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, giải pháp thường xuyên và liên tục nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, nông dân, người sản xuất cà phê và các đối tác liên quan về thực trạng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay và ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp theo cần tăng cường ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để thay thế, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác. Ngoài ra tập trung hướng dẫn nông dân nắm vững các biện pháp thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà phê; nâng cao trách nhiệm sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón, nước tưới,…) trong sản xuất cà phê góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái...

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/de-nang-cao-gia-tri-nganh-hang-ca-phe-c090085/