Để 'nâng chất' xây dựng nông thôn mới

Huyện Bắc Bình xác định phát triển sản xuất luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Bởi yếu tố này không những nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững.

Để

Mô hình lúa - sen ở Bình An.

Mô hình lúa - sen ở Bình An.

Chuyển đổi cơ cấu lúa giống, cây trồng lợi thế

Những năm trước đây, anh Lê Xuân Hòa, thôn An Bình, xã Bình An (Bắc Bình) thường dùng các giống lúa địa phương để gieo sạ. Qua thời gian giống thoái hóa, cùng với mật độ gieo dày sâu bệnh phát sinh, năng suất lúa giảm. Được UBND xã Bình An triển khai cho nông dân trồng giống lúa mới anh mạnh dạn đăng ký tham gia đưa vào gieo một số giống mới OM 406, Đài thơm 8… lúa thu hoạch cho năng suất, giá bán cao nên anh thay thế toàn bộ các giống lúa mới mở rộng diện tích lên đến 3 ha. Ông Nguyễn Trung Hoài - Chủ tịch UBND xã Bình An cho hay: “Lúa là cây trồng chủ lực của xã, cùng với những chính sách hỗ trợ người trồng lúa từ Nghị định 62 của Chính phủ, đặc biệt những năm gần đây xã quan tâm chuyển đổi cơ cấu giống lúa mới như ST24, ST25, OM406, lúa nếp OM84… đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, cải thiện năng suất, chất lượng, giá cả. Từ đó, bà con tăng thu nhập, góp phần tích cực để địa phương phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã NTM cuối năm nay”.

Trong xây dựng NTM, hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí quan trọng, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xác định rõ điều này, những năm qua huyện Bắc Bình đã nỗ lực phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó, xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực với diện tích gieo trồng hàng năm là 38.000 ha. Điểm sáng đáng chú ý, ngành nông nghiệp huyện đã từng bước thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng đa dạng, năng suất, chất lượng cao, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, diện tích gieo trồng lúa toàn huyện là 24.121 ha, đạt 71,36% KH năm, toàn huyện đã chuyển đổi sản xuất giống lúa mới 5.441 ha, trong đó hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch hơn 620 ha và phấn đấu sẽ chuyển đổi 11.540 ha giống lúa mới trong năm 2021. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình - Huỳnh Duy Khôi: Nhiều loại giống lúa mới triển khai thành công phù hợp thổ nhưỡng, khả năng chịu hạn, sức đề kháng sâu bệnh hại và cho năng suất, chất lượng tốt hơn các giống lúa truyền thống. Ngoài ra, huyện Bắc Bình đa dạng các loại cây trồng phù hợp đặc trưng từng vùng như cây ăn quả, nho Nhật, nấm, dược liệu… Hiện toàn huyện có 5.118 ha các loại cây trồng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao gồm lúa, nếp 135 ha, cây ăn quả 4.900 ha, nấm, cây dược liệu 35 ha. Duy trì 56,2 ha rau các loại, dưa lưới trồng công nghệ nhà kính, nhà màng tại các xã, thị trấn Hòa Thắng, Hồng Phong, Lương Sơn… Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch tăng diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn quả, thanh long. Một số cây trồng mới sau khi thử nghiệm cho hiệu quả cao được nhân rộng như: dưa lưới trồng trong nhà kính, tỏi Phan Rang trồng trên đất cát, ghép cam thuần trên gốc, ghép cam rừng tăng chất lượng trái…

Phát triển nông thôn bền vững

Việc phát triển sản xuất đã góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn huyện Bắc Bình. Đến nay, toàn huyện đã có 8/16 xã đạt chuẩn NTM và dồn sức tập trung nguồn lực đầu tư xã Bình An đạt chuẩn xã NTM năm 2021. Từ đầu năm đến nay, huyện đầu tư các công trình hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… với tổng số tiền trên 23,6 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, đây là thời điểm địa phương “tăng tốc” hoàn thành kế hoạch đề ra tăng thêm 28 tiêu chí NTM nâng tổng số tiêu chí xã đến cuối năm 2021 là 253 tiêu chí/16 xã, bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã và xã Bình An đạt chuẩn xã NTM. Cũng như tiếp tục giữ chuẩn, nâng chuẩn 225 tiêu chí đã đạt ở các xã NTM và tiêu chí huyện NTM. Hiệu quả của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM đã và đang được chứng minh từ thực tế các địa phương. Vì vậy, trong lộ trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, địa phương cần tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và triển khai chương trình OCOP góp phần khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, tạo ra hướng đi mới cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/de-nang-chat-xay-dung-nong-thon-moi-140304.html