Để năng suất lao động tăng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế đất nước hiện nay nói chung, Hà Nội nói riêng chính là năng suất lao động vẫn khá thấp. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu từ khâu tuyển chọn, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề là vấn đề quan trọng.
Để góp phần nâng cao năng suất lao động, những năm qua thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí để phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Từ 228 cơ sở dạy nghề vào năm 2017, đến nay Hà Nội đã có trên 360 cơ sở, dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở GDNN.
Cạnh đó, Hà Nội có 16 trường trung cấp, cao đẳng công lập được lựa chọn đào tạo 29 nghề trọng điểm (14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia). Nếu giai đoạn đoạn 2011 - 2015, Thành phố chỉ mới bố trí 87,2 tỉ đồng để hỗ trợ 3 trường đầu tư thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm thì đến giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã bố trí 203 tỉ đồng hỗ trợ 8 trường cao đẳng để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đối với các nghề trọng điểm theo chương trình chuyển giao và để trở thành trường chất lượng cao.
Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở GDNN, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề của Thành phố cũng liên tục tăng lên. Từ 117.000 lượt người năm 2008 lên 252.286 lượt người năm 2022 (tăng 115,62% trên cả giai đoạn). Tính chung trong giai đoạn 2008 - 2022, các cơ sở có hoạt động GDNN trên địa bàn Thành phố thực hiện tuyển sinh, đào tạo đạt 2.614.702 lượt người. Riêng trong năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 230.000 lượt người và phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%. Đến tháng 8/2023,các cơ sở có hoạt động GDNN trên địa bàn Thành phố tuyển sinh đào tạo nghề cho 176.860 lượt người đạt 76,9% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng nói, chất lượng công tác dạy nghề của Thành phố Hà Nội có chuyển biến tích cực với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo ngày càng tăng... Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, những năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên các trường nghề ở Hà Nội có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghề Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa... góp phần quan trọng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố tăng từ 27,5% năm 2008 lên 72,23% năm 2022 (tăng 44,73%), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5% năm 2022, góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo, có tay nghề, chất lượng cao cho thị trường lao động Thủ đô.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực như vậy nhưng nhìn trên thực tế chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Điều đáng nói là nguồn nhân lực sẵn sàng cung ứng cho thị trường của Hà Nội chủ yếu là lao động phổ thông và đang rất thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nhất là ở một số ngành nghề như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, cơ điện tử...
So với những năm trước đây, chất lượng lao động có trình độ đã tăng nhưng chưa thật sự đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi lao động không chỉ được đào tạo bài bản về mặt chuyên môn, mà còn cả những yếu tố khác như tin học, ngoại ngữ hay các kỹ năng xã hội như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp… khiến dư địa tìm kiếm việc làm bị thu hẹp hoặc thu nhập bị hạn chế. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức về lao động, việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng.
Đứng trước yêu cầu phải đổi mới để phát triển, hội nhập, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục xác định việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá quan trọng, song được nâng tầm với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và nặng nề hơn. Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực các ngành Văn hóa, Du lịch. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...”. Cũng trong giai đoạn này, Thành phố phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt ít nhất 75-80%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Để góp phần cùng Thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu nói trên, phát huy vai trò của cơ quan tham mưu trong lĩnh vực lao động, việc làm, đào tạo nghề, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết đơn vị sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở sẽ tham mưu Thành phố xây dựng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; Ưu tiên phát triển các cơ sở GDNN có ngành/nghề đang phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội hiện nay, như du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, số hóa công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics đồng thời khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Cạnh đó, đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh GDNN hàng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online; tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; hội nghị gắn kết GDNN với thị trường lao động…
Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDNN trong đào tạo, giải quyết việc làm; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở GDNN, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề; đổi mới trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến; đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, sớm tìm ra giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp.
Đồng hành cùng Thành phố, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Liên đoàn Lao động Thành phố đã ban hành Chương trình 06, trong đó có nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô giai đoạn 2018-2023. Để cụ thể hóa chương trình này, công đoàn các cấp hàng năm đã tiến hành Hội thị thợ giỏi để chọn ra những công nhân giỏi cấp cơ sở để “thi tài” ở Hội thi công nhân giỏi Thủ đô do Ủy ban nhân dân Thành phố và Liên đoàn Lao động Thành phố đồng tổ chức. Đồng thời, tiến hành phát động các phong trào sáng kiến - sáng tạo; ôn lý thuyết, luyện tay nghề. Đây cũng là một trong những “mắt xích” quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.