Để ngăn chặn sách giáo khoa giả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên
Nếu không đẩy mạnh chống sản xuất, buôn bán SGK giả, có thể kéo theo nhiều ảnh hưởng, hệ lụy với học sinh, thị trường xuất bản...
Vấn nạn sản xuất, tiêu thụ, buôn bán sách giáo khoa giả, vẫn luôn là nỗi lo của các nhà quản lý giáo dục cũng như ngành xuất bản Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, sách giáo khoa giả thậm chí còn được tung ra thị trường số lượng lớn, kéo theo nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền tảng tri thức, chất lượng giáo dục và sự phát triển của ngành xuất bản.
Nhu cầu lớn, lợi nhuận cao, quản lý chưa hiệu quả khiến sách giáo khoa giả len lỏi
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Quốc Đường - Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang) cho hay: “Những vụ việc buôn bán và tiêu thụ sách giáo khoa giả thường xảy ra vào thời điểm đầu năm học mới, khi nhu cầu về sách giáo khoa tăng cao. Việc xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán sách giáo khoa giả là một phần trong nỗ lực của tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh và đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Ông Ngô Quốc Đường cho biết, tại tỉnh Bắc Giang đã từng phát hiện và xử lý liên quan đến các vụ việc buôn bán và tiêu thụ sách giáo khoa giả. Cụ thể, ngày 07/3/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, đồng thời thi hành Lệnh khám xét nơi ở và tại các cơ sở kinh doanh (Nhà sách Phú Thịnh; nhà sách Sơn Luyến và nhà sách Hằng Thắng) để điều tra về tội “Buôn bán hàng giả”, với hành vi đã mua sách giả để kinh doanh, bán kiếm lời.
Theo ông Ngô Quốc Đường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sách giáo khoa giả còn len lỏi vào thị trường hiện nay: “Một là, việc in ấn và buôn bán sách giáo khoa giả mang lại lợi nhuận cao do chi phí sản xuất thấp, không phải trả các chi phí bản quyền hoặc chi phí cho nhà xuất bản.
Hai là, sách giáo khoa là nhu cầu bắt buộc và hàng năm, đặc biệt trong mùa tựu trường. Với nhu cầu lớn, người dân mua sách giáo khoa giá rẻ hơn so với sách chính hãng mà không có nhiều sự so sánh về chất lượng.
Ba là, việc giám sát và quản lý thị trường sách vẫn còn nhiều lỗ hổng, từ khâu in ấn, phát hành đến phân phối sách. Việc thiếu kiểm soát chặt chẽ khiến sách giả có cơ hội len lỏi.
Và cuối cùng, là ý thức người tiêu dùng, tác động mạnh mẽ đến vấn nạn sách giáo khoa giả. Một bộ phận người tiêu dùng, bao gồm cả phụ huynh và học sinh, không quan tâm đến nguồn gốc của sách, miễn là có giá rẻ và đáp ứng nhu cầu học tập”.
Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, sách giáo khoa giả tác động mạnh mẽ đến quá trình thu nạp kiến thức của học sinh. Sách giả thường có chất lượng nội dung không đảm bảo, chất lượng in ấn kém, sai sót về nội dung và hình ảnh.
Điều này dẫn đến việc học sinh thu nhận kiến thức không chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập.
Cùng với đó, sử dụng sách giáo khoa giả làm giảm hiệu quả quá trình học tập của học sinh, vì những sai sót trong sách giáo khoa giả khiến học sinh dễ bị nhầm lẫn, gây khó khăn trong việc hiểu và tiếp thu bài học.
“Nếu không ngăn chặn vấn nạn sách giáo khoa giả, sẽ gây ra một số hệ lụy: Thứ nhất, gây thiệt hại kinh tế cho ngành xuất bản. Việc sách giả len lỏi, trà trộn với sách thật sẽ làm giảm doanh thu của các nhà xuất bản chính thống, ảnh hưởng đến nền công nghiệp xuất bản nói chung và các tác giả nói riêng. Điều này có thể khiến các nhà xuất bản khó duy trì việc sản xuất và phát hành sách chất lượng.
Thứ hai, ảnh hưởng đến nền tảng tri thức của xã hội, khi sách giáo khoa giả với nội dung không chính xác có thể dẫn đến sự hiểu lầm hoặc hiểu sai về kiến thức, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển trí tuệ và kỹ năng của học sinh.
Thứ ba, khó kiểm soát chất lượng giáo dục. Nếu không thể kiểm soát vấn nạn sách giả, sẽ khó có thể đảm bảo sự đồng đều và nhất quán trong việc giáo dục học sinh. Theo đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và gây khó khăn cho công tác quản lý giáo dục.
Thứ tư, phá vỡ kỷ luật thị trường, sách lậu và sách giả tồn tại mà không bị xử lý sẽ gây ra sự bất công và mất kỷ luật trên thị trường. Những đơn vị làm ăn chân chính sẽ chịu thiệt hại, trong khi những cá nhân vi phạm pháp luật lại được hưởng lợi, dẫn đến tình trạng vi phạm tiếp diễn và khó kiểm soát”, ông Đường phân tích thêm.
Ông Ngô Quốc Đường cho biết, để ngăn chặn tình trạng buôn bán và tiêu thụ sách giáo khoa giả, Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (nói riêng) cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang (nói chung) đã thực hiện hàng loạt biện pháp thiết thực:
Trước hết, tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về tác hại của việc sử dụng sách giáo khoa giả trong quá trình học tập của học sinh. Việc này có thể giúp phụ huynh và học sinh nhận thức rõ ràng hơn về những rủi ro liên quan đến sách giả, chẳng hạn như chất lượng nội dung không đảm bảo, sai lệch kiến thức.
Bên cạnh đó, phối hợp với các nhà xuất bản để cung cấp sách giáo khoa chính hãng cho các trường học và có chính sách ưu đãi giá cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để hạn chế tình trạng mua sách giả vì “giá rẻ”. Đồng thời, khuyến khích phát triển thư viện tại trường học, để học sinh có thể mượn sách giáo khoa miễn phí, giảm nhu cầu mua sách.
Song song với đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và cơ quan quản lý thị trường để xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất và buôn bán sách giả.
Cần sự răn đe của cơ quan chức năng và ý thức “tự bảo vệ” của nhà xuất bản
Để đẩy lùi và chấm dứt vấn nạn sách giáo khoa giả, Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Giang kiến nghị, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: “Đầu tiên, Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan cần tăng cường khung pháp lý, đặc biệt là các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, nhằm siết chặt quản lý và xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa giả.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của sách, văn hóa đọc và cách phân biệt sách thật - giả cần được đẩy mạnh.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sách giáo khoa giả len lỏi trên thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sách giả, đồng thời áp dụng các chế tài mạnh mẽ để răn đe.
Các nhà xuất bản cũng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm, đẩy mạnh cơ chế “tự bảo vệ”, bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại như mã QR, tem chống giả và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để kiểm soát thị trường.
Về phía các trường học, việc đảm bảo sách giáo khoa cung cấp cho học sinh là chính hãng từ các nguồn tin cậy là vô cùng quan trọng. Các trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và cung cấp thông tin cho phụ huynh, học sinh để nhận biết sách giáo khoa giả - thật.
Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức, lựa chọn sách tại các nhà sách uy tín và báo cáo các trường hợp nghi vấn sách giả đến cơ quan chức năng. Cuối cùng, để giải quyết tận gốc vấn đề sách giả, cần có một chiến lược dài hạn, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý thị trường, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế,... để kiểm tra, phản ánh và xử lý”.
Trước vấn nạn sách giáo khoa giả, thầy Phạm Đức Quyền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thạnh An, thành phố Cần Thơ chia sẻ quan điểm: “Đối với tôi, giáo dục phải từ gốc rễ. Để xây dựng một nền giáo dục vững chắc, việc sử dụng sách giáo khoa chính thống là vô cùng quan trọng, bảo vệ lợi ích cho học sinh, phụ huynh và giáo viên”.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thạnh An cũng nhấn mạnh, việc sử dụng sách giáo khoa giả gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng: “Thứ nhất, xâm phạm bản quyền: Khi sử dụng sách không chính thống, chúng ta đang vi phạm quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản và những người có liên quan.
Thứ hai, chất lượng kém, không thể bằng sách thật: Sách giả thường có chất lượng in ấn kém, nội dung sai sót, khó tránh khỏi việc sai lệch kiến thức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe (suy giảm thị lực khi sử dụng sách bị nhòe, mờ, không rõ nét) và hiệu quả học tập của học sinh.
Và cuối cùng kéo theo nhiều thiệt hại liên quan, không chỉ học sinh, phụ huynh, giáo viên phải gánh chịu mà còn ảnh hưởng đến tác giả sách và nhà xuất bản; đặc biệt là chất lượng giáo dục tại Việt Nam”.
“Rất may, hiện tượng sử dụng sách giáo khoa giả chưa xảy ra tại trường. Điều này cho thấy ý thức của phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của việc sử dụng sách giáo khoa chính thống ngày càng được nâng cao”, thầy Quyền cho hay.
Theo thầy Phạm Đức Quyền, để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu năm, nhà trường đã hỗ trợ phụ huynh học sinh ở các lớp lên danh sách đăng ký mua sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Việc mua sách giáo khoa tại trường hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, tùy vào nhu cầu phụ huynh học sinh có thể tự mua hoặc đăng ký mua tập trung tại trường. Nhờ đó, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với những quyển sách giáo khoa chất lượng từ đơn vị phát hành sách chính thống; đồng thời, tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc tìm mua lẻ ở các cửa hàng sách; quan trọng là tránh được việc mua phải sách giáo khoa giả.
Đặc biệt, việc mua sách tập trung từ đầu năm giúp đảm bảo nguồn hàng ổn định và giá cả hợp lý, tương đương với giá bán tại các nhà sách lớn.
“Nhà trường luôn sẵn sàng tư vấn cho phụ huynh và học sinh để lựa chọn đúng loại sách cần thiết. Nhờ vậy, các em học sinh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập”, thầy Quyền cho biết.