Để ngày khai trường thực sự hạnh phúc, hiệu trưởng phải chấp nhận sự khác biệt...

Để xây dựng được một ngày khai trường thực sự hạnh phúc, để học sinh thực sự là trung tâm, hiệu trưởng phải dám chấp nhận sự khác biệt, mỗi giáo viên cũng cần sự sáng tạo để thể hiện và lan tỏa sự yêu thương đến những học sinh của lớp mình.

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, để ngày khai trường thành công, mỗi giáo viên cũng cần sự sáng tạo để lan tỏa sự yêu thương đến học sinh. (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, để ngày khai trường thành công, mỗi giáo viên cũng cần sự sáng tạo để lan tỏa sự yêu thương đến học sinh. (Ảnh: NVCC)

Những năm gần đây, nhiều trường học tổ chức ngày khai giảng tập trung vào phần “hội”. Tuy nhiên, không ít trường vẫn còn tổ chức những lễ khai giảng khá rườm rà, đọc diễn văn dài lê thê, báo cáo thành tích là chính. Quan điểm cá nhân của ông thế nào về vấn đề này?

Nhớ lại ngày khai giảng lứa học sinh thế hệ tôi là những buổi đầu tiên đến trường sau 3 tháng nghỉ hè. Ba tháng xa trường, xa bạn bè, thầy cô nên lễ khai giảng là buổi đầu tiên gặp lại nhau để bắt đầu năm học mới khiến ai cũng háo hức, chộn rộn. Từng đứa cẩn thận tự tay bọc, dán nhãn sách vở, được cha mẹ chuẩn bị trang phục đẹp cho ngày khai trường.

Thời đó, phần lễ khai giảng ngắn gọn, đơn giản nhưng vẫn trang trọng. Tất cả học sinh đều hát Quốc ca và vỗ tay thích thú khi kết thúc. Chỉ có bài diễn văn ngắn như lời tâm sự, dặn dò của cô hiệu trưởng và tiếng trống trường báo hiệu năm học mới bắt đầu. Sau đó, học sinh chúng tôi về lớp gặp cô giáo và bắt đầu việc học tập của một năm học mới.

Lễ khai giảng với tôi khi đó đúng là ngày hội của học sinh, nơi mỗi người cảm thấy được đón chào trở lại với một năm học tập mới với những khoảng thời gian ý nghĩa bên bạn bè và thầy cô.

Còn lễ khai giảng bây giờ quy mô hoành tráng hơn, đẹp đẽ hơn, rực rỡ với sắc màu cờ hoa tốn kém hơn. Có thể trong mắt học sinh, đây là hoạt động làm khai giảng cho người lớn, cho lãnh đạo nhà trường. Diễn văn trong lễ khai giảng cũng mang tính báo cáo, thể hiện cho phụ huynh, cho lãnh đạo tới dự, cho thể diện nhà trường hơn là hoạt động cho học sinh, học sinh - chủ thể chính, chào mừng học sinh quay trở lại học tập.

Học sinh phải đến trường từ rất sớm, phải tập luyện văn nghệ, xếp hàng theo đội ngũ, được yêu cầu đứng, ngồi, hát, vỗ tay theo hiệu lệnh để phục vụ cho lễ khai giảng thật chỉn chu nhiều ngày khiến không ít học sinh cảm thấy mình là người phục vụ cho lễ khai giảng hơn là đối tượng được chào mừng quay trở lại.

Nguyên nhân vì đâu ngày khai giảng của một số trường được tổ chức mang tính hình thức, phô trương?

Cùng sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, việc tổ chức các sự kiện cũng được chuẩn bị cầu kỳ hơn với các quy định, lễ nghi. Sự kiện khai giảng cũng không chỉ đơn thuần là ngày đầu tiên đón chào học sinh quay trở lại trường như bản chất vốn có của nó mà còn trở thành một sự kiện truyền thông, xây dựng và khẳng định thương hiệu của nhà trường, một cách thu hút sự chú ý của cộng đồng và người học tiềm năng.

Tuy nhiên, không thể nói tất cả các trường hiện nay đều mang tính hình thức, phô trương, không đem lại ý nghĩa thực sự của giáo dục. Vẫn có những lễ khai giảng của những ngôi trường vừa đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung và người học tham dự vẫn hạnh phúc.

Vấn đề ở chỗ, chúng ta có thực sự tập trung vào người học một cách toàn diện hay không. Chúng ta có chú ý đến quyền và nhu cầu của trẻ, đặt nhu cầu muốn được kết nối, muốn được tôn trọng, muốn được thể hiện bản thân của người học trở thành trung tâm của buổi lễ và tìm cách để thỏa mãn chúng không?

Học sinh trở thành trung tâm của Lễ khai giảng. (Ảnh: Nguyệt Anh)

Học sinh trở thành trung tâm của Lễ khai giảng. (Ảnh: Nguyệt Anh)

Ngày khai giảng đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập của trẻ, chủ thể của ngày khai giảng phải là học sinh. Theo ông, làm sao để ngày khai trường thực sự chạm đến từng đứa trẻ?

Để xây dựng được một ngày khai trường thực sự hạnh phúc, hiệu trưởng, người thủ lĩnh tinh thần phải dám chấp nhận sự khác biệt, dám thay đổi những khuôn mẫu niềm tin cố hữu về ngày khai trường. Mỗi giáo viên cũng cần sự sáng tạo để thể hiện và lan tỏa sự yêu thương đến những học sinh của lớp mình trong ngày khai giảng.

Học sinh trở thành trung tâm của việc chào đón từ cổng chào. Các em được xuất hiện trên sâu khấu chính, được phát biểu, được ghi nhận khen thưởng, được thể hiện tài năng nghệ thuật và trình diễn, được nhận các tràng vỗ tay.

Thay vì các bài phát biểu dài dòng theo khuôn mẫu là các câu chuyện truyền cảm hứng từ những khách mời nổi tiếng. Sau phần lễ ngắn gọn hào hứng sẽ là phần hội nơi các em được tham gia vào các hoạt động vui vẻ tại không gian sân trường, được giới thiệu và tham gia tuyển chọn vào các câu lạc bộ, được tham gia các gian hàng giảm giá (back-to-school sale) được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp để bổ sung đầy đủ học liệu và đồ dùng học tập cho năm học mới.

Kinh nghiệm của ông về việc tổ chức khai giảng ở nước ngoài và chúng ta có thể học được gì để trẻ em thực sự là chủ nhân của buổi lễ?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngày khai giảng thường là ngày đánh dấu mốc đầu tiên để chào đón học sinh quay trở lại trường trong khi hiện nay ở Việt Nam chỉ mang tính biểu trưng vì các em đã quay trở lại trường và học từ trước đó 1 tháng.

Ngày khai trường được tổ chức như một không gian giao tiếp mở, sân khấu gần gũi thoải mái và không xa cách với mọi người ở dưới để tạo nên cảm giác gắn kết thân thiện. Trong ngày khai trường, những người quan trọng với học sinh được xuất hiện cùng, phụ huynh cũng được tham gia một số hoạt động trên sân khấu cùng học sinh chứ không phải đứng ở ngoài xa và chỉ được nhìn vào.

Kế hoạch cho ngày khai giảng được giáo viên các lớp lên kế hoạch cùng học sinh và lấy những ý tưởng từ học sinh cho buổi lễ chứ không phải là quyết định từ ban lãnh đạo. Buổi lễ cũng nên khẳng định sự tôn trọng khác biệt, các em học sinh thuộc các nền văn hóa khác nhau. (Ví dụ, học sinh người nước ngoài, học sinh mang nửa dòng máu nước ngoài đều được xuất hiện và thể hiện bản sắc văn hóa quốc gia của mình trên sân khấu).

Đặc biệt, buổi lễ luôn được kết thúc bằng những bài “trường ca” do tất cả học sinh và thầy cô đồng diễn, sự xuất hiện nhân vật “linh thú” của trường chạm tay vào từng học sinh như lời chúc may mắn đến năm học mới.

Sau phần lễ chung, học sinh được trở về lớp và được giáo viên chào đón với một menu các động tác chào hỏi thú vị mà học sinh có quyền được lựa chọn. Được giáo viên trao tặng một tấm thiệp với những thông điệp ý nghĩa truyền cảm hứng về năm học mới. Trong ngày đầu tiên này, học sinh được tham gia một hoạt động chung để tái gắn kết bạn bè và xây dựng cảm giác thuộc về lớp mình, thầy cô của mình và bạn bè của mình.

Đầu năm học mới, theo ông thông điệp quan trọng mà nhà trường cần truyền đến học sinh là gì?

Mục tiêu của một ngôi trường khi được sinh ra là đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện phát triển nhân cách và nhu cầu được hạnh phúc của người học chứ không phải được xây dựng nên để đáp ứng yêu cầu về tuyển sinh, tài chính và các yêu cầu khác của nhà trường hay lãnh đạo nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-ngay-khai-truong-thuc-su-hanh-phuc-hieu-truong-phai-chap-nhan-su-khac-biet-240766.html