Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững (kỳ 2)
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đã được khai thác phát triển và đạt một số kết quả nhất định trong thời gian qua, nghề nuôi ngao của tỉnh cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện đầy đủ để ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi ngao cùng phối hợp giải quyết thấu đáo, hiệu quả… Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
TIN LIÊN QUAN
Ðể nghề nuôi ngao phát triển bền vững (kỳ 1)
(Tiếp theo kỳ trước)
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đã được khai thác phát triển và đạt một số kết quả nhất định trong thời gian qua, nghề nuôi ngao của tỉnh cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện đầy đủ để ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi ngao cùng phối hợp giải quyết thấu đáo, hiệu quả…
Bài II: Nhận diện những khó khăn trong phát triển nghề nuôi ngao
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, đến thời điểm này tổng diện tích nuôi ngao của toàn tỉnh khoảng 2.350ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Đối tượng ngao nuôi chính là ngao Bến Tre chiếm khoảng 85%, ngao dầu bản địa và một số loại khác chiếm 15%. Năm 2021, tổng sản lượng ngao thương phẩm đạt hơn 43.200 tấn. Hiện nay việc nuôi ngao của người dân vẫn chủ yếu nuôi ngoài bãi triều nên chịu tác động trực tiếp từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, phức tạp do biến đổi khí hậu như: thủy triều dâng cao, mưa, bão, lốc xoáy… ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của ngao nuôi. Vỏ ngao xấu không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, người nuôi đứng trước nhiều rủi ro thiệt hại từ thiên tai. Tình trạng sản xuất ngao thương phẩm manh mún, không theo quy hoạch; quy mô sản xuất ngao giống nhỏ, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất hạn chế nên chưa thúc đẩy việc phổ biến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống. Trong khi đó, sản lượng giống ngao tự nhiên thiếu sự quản lý, khai thác không hợp lý, tình trạng khai thác tràn lan theo kiểu tận diệt vẫn diễn ra dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi. Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, CCN An Xá (thành phố Nam Định) thời gian gần đây ngao giống đang có hiện tượng cận huyết và suy thoái nên càng ngày càng nhỏ với trọng lượng 80-100 con/kg, trong khi thị trường ưa chuộng con ngao to từ 20-30 con/kg, nhất là thị trường Mỹ, Nhật Bản. Bên cạnh đó, phương pháp nuôi, thu hoạch chưa đúng quy trình kỹ thuật nên hiện tượng ngao chết, ngao nhiều bùn, cát tăng lên làm giảm chất lượng ngao nguyên liệu đầu vào, đồng thời khiến chi phí đầu tư cho việc xử lý của doanh nghiệp tăng lên, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngao chế biến trên thị trường. Hơn nữa còn đang xảy ra tình trạng “nuôi ngắn, bán ngay” cho các thương lái, đầu mối ngoài thị trường mà không muốn nuôi dài ngày để ngao to hơn và bán cho Công ty. Điều này gây không ít khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp trong việc bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho chế biến và bảo đảm các hợp đồng, nhất là những đơn hàng có số lượng lớn với đối tác nước ngoài mà đơn vị đã cam kết…
Một nguyên nhân khác nữa là sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi ngao, khiến dịch bệnh tại các đầm nuôi vẫn xảy ra làm ngao chết hàng loạt gây thiệt hại kinh tế và nhiều khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư vào nuôi ngao. Công tác quan trắc, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết cực đoan để đưa ra những khuyến cáo cho người nuôi chưa kịp thời; chưa có biện pháp phòng ngừa, khắc phục khi có sự cố về môi trường nuôi xảy ra. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi ngao chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, chưa hình thành được vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung. Đặc biệt, con ngao giống đang có nguy cơ thoái hóa khiến năng suất, sản lượng, chất lượng ngao thương phẩm suy giảm. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Mặc dù người dân đã làm chủ được công nghệ sản xuất và ương giống ngao song số lượng các cơ sở sản xuất giống ngao phát triển nhanh nên một số đơn vị chưa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; quá trình chọn lọc giống bố mẹ chưa tốt nên chất lượng con giống suy giảm. Việc chuyển đổi hình thức từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh với mật độ thả dầy, diện tích nuôi nhỏ, nhiều lưới vây đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy cung cấp thức ăn cho ngao khiến ngao sinh trưởng chậm, thời gian nuôi thả kéo dài. Theo ông Trần Văn Hiệp, một chủ nuôi ngao ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) cho biết: người nuôi ngao chưa có nhiều cơ hội để học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất ngao giống, ngao thương phẩm cũng như cách thức kiểm soát, phát hiện, xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi và các sự cố môi trường. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lũ không theo quy luật, nhiệt độ, độ mặn tăng cao và kéo dài vượt khả năng chịu đựng của ngao nuôi khiến ngao chết hàng loạt. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho nuôi ngao rất lớn, trong khi nguồn lực của các hộ nuôi ngao hạn chế dẫn đến khó khăn trong trong việc cải tạo bãi nuôi và thực hiện quản lý, kiểm soát môi trường vùng nuôi. Hơn nữa, ở một số vùng nuôi ngao của Nam Định vùng nước mới đạt chuẩn loại B nên chưa đủ điều kiện kỹ thuật để xuất khẩu ngao sống mà mới chỉ xuất khẩu ngao đã qua chế biến. Quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm mới được hình thành bước đầu và chưa thực sự bền vững.
Những khó khăn về thời tiết, khí hậu, con giống và cả thách thức trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ ngao nêu trên đã được các ngành chức năng của tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi ngao nhận diện, phân tích, đánh giá để đề ra những giải pháp khắc phục, xử lý thiết thực, hiệu quả.
(Còn nữa)
Văn Đại