Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững (kỳ 3)
Xác định ngao là đối tượng nuôi nhuyễn thể chủ lực có giá trị kinh tế cao, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, bền vững, vì vậy thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc củng cố phát triển chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ ngao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ngao, nâng cao chất lượng con giống... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
TIN LIÊN QUAN
Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững (kỳ 2)
(Tiếp theo và hết)
Xác định ngao là đối tượng nuôi nhuyễn thể chủ lực có giá trị kinh tế cao, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, bền vững, vì vậy thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc củng cố phát triển chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ ngao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ngao, nâng cao chất lượng con giống; mở rộng vùng nuôi ngao bền vững được chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC; ứng dụng công nghệ khoa học mới bảo đảm phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bài III: Giải pháp toàn diện để phát triển nghề nuôi ngao bền vững
Nhằm phát huy cao nhất những lợi thế hiện có, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương quy hoạch lại các cơ sở sản xuất ngao giống; kiểm soát, quản lý chặt chẽ và kiên quyết loại bỏ những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định. Khuyến khích cơ sở sản xuất giống lựa chọn nguồn giống bố, mẹ chất lượng cao từ nhiều vùng khác nhau trong cả nước để nâng cao chất lượng, bảo đảm sự đồng đều, tỷ lệ nuôi sống cao, bởi đây là khâu cần thiết và quan trọng đầu tiên quyết định đến năng suất, chất lượng ngao thương phẩm. Đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất ngao theo hướng liên kết hợp tác, giảm dần số hộ nuôi có diện tích nhỏ, tạo hành lang bãi rộng, thông thoáng cho các vùng nuôi và hộ nuôi. Đồng chí Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, các cơ quan quản lý của huyện đang tích cực hướng dẫn và khuyến khích người dân liên kết với nhau để sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác. Do đó, nhiều diện tích nhỏ lẻ đã dồn thành vùng nuôi ngao rộng lớn; nhiều diện tích lưới vây được gỡ bỏ, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho việc cải tạo bãi nuôi, quản lý vùng nuôi và thu hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 109/2018/NĐ-CP về chứng nhận ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống ngao; hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất con giống, quy trình nuôi thả, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nói chung, nuôi ngao nói riêng tăng trưởng bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được vai trò và lợi ích của việc tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngao nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, loại bỏ phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, bảo đảm phát triển an toàn và bền vững.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các hộ nuôi ngao ở “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã không phải lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm bởi toàn bộ lượng ngao thương phẩm được Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam thu mua, chế biến xuất khẩu. Ông Trần Văn Hiệp, chủ vùng nuôi ngao ở xã Nam Điền cho biết: Sau khi xuống giống 18 tháng, ngao thương phẩm sẽ đạt trọng lượng khoảng 80-100 con/kg. Ngao càng to giá trị càng lớn, với mức giá bán dao động từ 13 đến 25 nghìn đồng/kg. Nếu thời tiết thuận lợi, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, trung bình mỗi ha nuôi ngao sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng. Theo tính toán, mỗi tháng vùng nuôi liên kết Lenger Farm cung cấp cho Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam từ 300-500 tấn ngao thương phẩm. Toàn bộ ngao nguyên liệu được đưa về Công ty chế biến trên hệ thống máy móc, thiết bị nhập từ Hà Lan, công suất thiết kế 300 tấn ngao mỗi ngày, phục vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Điều này đã cho thấy, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngao là phương thức sản xuất có tính bền vững. Người nông dân tham gia liên kết xây dựng được kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm đều cao hơn so với không liên kết. Doanh nghiệp chế biến có vùng nguyên liệu ổn định, bền vững và thuận lợi trong việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng tính cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị thu nhập. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện đúng chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm môi trường nuôi, sản phẩm ngao nuôi và truy xuất nguồn gốc.
Cùng với việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị, thực hiện bảo đảm an toàn vùng nuôi của ngành chức năng, bản thân doanh nghiệp cũng đã có phương án, giải pháp nhằm giải quyết, ứng phó với những khó khăn, thách thức đặt ra. Ông Nguyễn Hồ Nguyên cho biết thêm: Để có nguyên liệu ổn định, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đang xây dựng trang trại sản xuất giống ngao công nghệ cao nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng con giống. Kiến nghị các địa phương tiến hành quy hoạch vùng nuôi ngao tập trung để bảo đảm chất lượng ngao thương phẩm tốt hơn. Vận động các hộ dân đang liên kết với Công ty thực hiện đúng các quy định của Chứng chỉ ASC trong quá trình nuôi, thu hoạch và bảo quản ngao nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ ngao.
Mới đây, tại Diễn đàn phát triển ngành nhuyễn thể bền vững do Bộ NN và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức tại thành phố Nam Định, đồng chí Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ Nam Định tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi; hỗ trợ xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất giống ngao chất lượng cao của cả nước. Trước mắt hỗ trợ Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam xây dựng mô hình thí điểm làm sạch ngao thương phẩm đạt loại A theo tiêu chuẩn châu Âu về phương diện sinh học để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu tươi sống trực tiếp vào các thị trường. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện chương trình giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giai đoạn 2021-2025; giám sát vùng nuôi nhuyễn thể đã được công nhận ASC và xây dựng vùng nuôi mới để được công nhận tiêu chuẩn ASC.
Dư địa và những tiềm năng, lợi thế để nuôi, chế biến, xuất khẩu ngao của tỉnh vẫn còn rất lớn, vì thế những “điểm nghẽn” đã phân tích ở trên cần được ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi ngao nhận diện, phối hợp đề ra các biện pháp căn cơ, phù hợp để tháo gỡ, giải quyết nhằm tiếp tục thúc đẩy nghề nuôi ngao phát triển an toàn, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.