Để nghệ thuật biểu diễn phát triển
Các nhà quản lý và giới hoạt động nghệ thuật đánh giá cao việc Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021) đã kế thừa, hoàn thiện các quy định trước đây, đồng thời điều chỉnh một số quy định để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết nhằm thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển.
Điểm đáng chú ý, nhiều quy định mới của nghị định này được kỳ vọng sẽ khắc phục một số “điểm nghẽn”, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, phải kể đến các quy định, như: Điều kiện cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; quản lý nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng… vốn lâu nay gây ra nhiều tranh luận, đã được bổ sung, điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Có thể thấy, các quy định mới của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đều nhằm tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động biểu diễn bằng việc giảm các giấy phép, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, kiểm tra, giám sát. Đơn cử như quy định phân cấp quản lý biểu diễn nghệ thuật cho các địa phương nơi diễn ra sự kiện được đánh giá là phù hợp, sát thực tiễn và vẫn bảo đảm giám sát chặt chẽ chất lượng, nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật…
Hiện, những quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Do đó, điều cần làm hiện nay là ngành Văn hóa cùng các địa phương, các đơn vị nghệ thuật tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị định, đặc biệt là những điểm mới, các quy định có sự điều chỉnh, bổ sung và những điều kiện, giấy phép đã được cắt bỏ so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Với những nội dung mới, lần đầu tiên được đưa vào nghị định như: Quản lý nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng; tiếp nhận hồ sơ trực tuyến…, cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các ngành chức năng, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Ngoài ra, việc tăng cường phân cấp cũng đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở các địa phương phải nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn; tích cực hơn nữa trong công tác hậu kiểm để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các quy định liên quan để giải quyết công việc một cách minh bạch, hiệu quả.
Với các tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn, ngoài việc chủ động tìm hiểu, cập nhật các quy định mới tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, cần thực hiện đúng các nội dung chương trình nghệ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận (trước đây gọi là giấy phép), bảo đảm quyền lợi chính đáng của công chúng - khách hàng bỏ tiền mua vé đến thưởng thức.
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đi vào cuộc sống sẽ mở rộng cơ hội sáng tạo, làm nghề cho các nghệ sĩ; bảo đảm quản lý, giám sát chặt nội dung, chất lượng các chương trình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân liên quan, qua đó góp phần thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển, phù hợp với xu thế hiện nay.