Đề nghị Ấn Độ mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây tươi Việt Nam
Tại buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ diễn ra ngày 14-2 vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị phía Ấn Độ lên phương án để có thể mở cửa thị trường đối với nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam, trước mắt là các loại trái cây như nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng.Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ đạt 15 tỉ đô la, tăng 13,6% so với năm 2021. Trong các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, cà phê là mặt hàng có giá trị tăng cao nhất, đạt 57,4 triệu đô la, tăng 164,7% so với năm 2021.
Theo TTXVN, tại buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ, Bộ Công Thương đề nghị phía Ấn Độ tiến hành hỗ trợ về công tác cấp phép cho trái cây tươi Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này như nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng…
Bên cạnh đó, một số chính sách về hạn chế thương mại còn gây khó khăn cho hàng hóa Việt Nam khi xuất sang thị trường này như quy định áp giá sàn nhập khẩu hồ tiêu, hạt điều, hạn chế nhập khẩu hương nhang và các yêu cầu xác minh xuất xứ hàng hóa theo Luật Hải quan CAROTAR 2020. Bộ Công Thương mong rằng Ấn Độ sẽ xem xét, đề ra hướng giải quyết trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất trong việc ngăn chặn đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và thế giới; tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường nông sản cho doanh nghiệp của hai nước; cung cấp thông tin của thị trường, nâng cao thương hiệu cạnh tranh.
Website Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ sẽ hướng tới việc đa dạng hóa chuỗi nguyên liệu mà hai bên đều có ưu thế như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm Ấn Độ, nông thủy sản, thực phẩm từ Việt Nam.
Về phía Ấn Độ, đại sứ cho biết Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ trong khu vực ASEAN. Hai nước đang hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, trong đó, một số lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, dầu khí, công nghệ thông tin, kinh tế số, dược phẩm…