Đề nghị biển số xe đẹp đấu giá phải có quy định trong đấu thầu
'Hiện nay trên biển số nào đẹp, biển số nào phù hợp là lực lượng công an rất rõ và người dân cũng rất rõ điểm này, cho nên tôi đề nghị là có quy định. Tuy nhiên, loại số ngẫu nhiên thì rất là dễ, còn loại số đấu giá phải có quy định trong đấu thầu...', đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị.
Góp ý vào Dự thảo Luật Giao đông đường bộ (sửa đổi), đặc biệt là việc có nên tách Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định của các đại biểu Quốc hội. Còn việc góp ý Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hôm nay cũng nhằm một mục đích đó là khắc phục những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình, dự án luật thể hiện được đầy đủ mục tiêu, biện pháp về đổi mới, tăng cường hiệu quả của việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vì lĩnh vực giao thông hiện nay, tai nạn xảy ra nhiều, chết người nhiều, dù cho Luật Phòng, chống rượu, bia áp dụng cũng đã hạn chế nhưng tình trạng tai nạn và chết người vẫn xảy ra thường xuyên. Chính vì thế, việc sửa đổi và tách luật cũng là để tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay…
Liên quan đến vấn đề điểm của giấy phép lái xe. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, tại Điều 47 của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điểm của giấy phép lái xe, điểm trừ và phục hồi giấy phép lái xe. Đây là một trong những điểm mới của dự thảo luật, theo đó trừ điểm giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng, đây là điểm mới, là biện pháp để quản lý hành chính nhà nước đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nếu bị trừ hết điểm sau thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bị trừ điểm muốn có cấp giấy phép lái xe mới thì phải sát hạch lại. Đây là một điều rất hay, nhưng trong áp dụng cũng đề nghị là không quá tả, ở chỗ việc quy định phải phù hợp. Trước đây chưa có quyết định nay mới quy định sai phạm, mà lần đầu tiên chưa đến mức gây nguy hiểm thì tùy theo một số sai phạm có thể là xem xét, nhắc nhở, sau đó mới trừ điểm. Nếu tái phạm thì phải thực hiện trừ điểm theo đúng quy định của luật.
Ngoài ra, tại Điều 37, về việc cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Ở khoản 3 cấp biển số bằng hình thức ngẫu nhiên và qua đấu giá, nên có quy định được hướng dẫn quan tâm đến 2 loại biển số. Phần này đại biểu Phương đề nghị giao cho Bộ Công an quy định về biển số, vì thực tế hiện nay trên biển số nào đẹp, biển số nào phù hợp là lực lượng công an rất rõ và người dân cũng rất rõ điểm này, cho nên tôi đề nghị là có quy định. Tuy nhiên, loại số ngẫu nhiên thì rất là dễ, còn loại số đấu giá phải có quy định trong đấu thầu.
“Tôi cũng có mấy kiến nghị là có nên hay không việc tăng số lượng biển số có nhu cầu, ví dụ như 9999, hoặc 99999 hoặc là 8888, hoặc 88888. Vì nhu cầu người dân có, thì mình có thể tăng biển số này để tăng thu nhập trong duy trì ngân sách. Vì có thể đấu giá biển số, có thể là biển số 48A, 48B và 48C, số này có thể tăng lên 10 số chẳng hạn, như vậy sẽ tăng thu nhập trong ngân sách quốc gia”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên cũng theo đại biểu, cần phải xác định như thế nào là biển số đẹp để đưa vào đấu giá chống gian lận. Đề nghị Ban soạn thảo quy định ban hành thực hiện đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới thích hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của bộ phận người dân, đồng thời phải đảm bảo công tác quản lý của nhà nước.
Trước đó, nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu Quốc hội được đưa ra tại phiên thảo luận về hai dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ, sáng nay (17/11), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về ba nội dung của hai luật trên.
Trong đó, nội dung thứ nhất là có tách thành hai luật hay không. Kết quả, đồng ý tách có 104 đại biểu, tương đương 25,12% trên số phiếu và chiếm 21,62% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu không đồng ý tách luật là 302, tương đương 72,95% trên tổng số phiếu và 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác có 20 đại biểu.
Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Kết quả cho thấy, có 86 phiếu chọn phương án đồng ý chuyển, chiếm 20,77% trên tổng số phiếu và 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội.
Số đại biểu chọn phương án không đồng ý chuyển là 321 phiếu, chiếm 77,54% trên tổng số phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội. Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khóa XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, chiếm 60,63% số phiếu lấy ý kiến, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.