Đề nghị bổ sung chính sách kiểm soát chất thải phóng xạ tại dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Ngày 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), trong đó đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến việc kiểm soát các chất thải phóng xạ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý; chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; một số quy định thiếu tính khả thi…
Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Hùng, dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 12 chương, 73 điều, (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng
Dự án luật đã bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí tại Nghị quyết 240/NQ-CP ngày 17.12.2024 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11.2024.
Cụ thể: Chính sách 1 về thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử. Chính sách 2 về bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước. Chính sách 3 về tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân. Chính sách 4 về quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị quy định rõ cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập và mối quan hệ công tác; có đủ thẩm quyền, năng lực kỹ thuật và quản lý; hoạt động tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh hạt nhân của IAEA và các điều ước quốc tế liên quan.
Về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT nhất trí với sự cần thiết và nội dung thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, cần xem xét việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Điều 30.
Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định.
Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA; đề nghị làm rõ quy định về “sử dụng công nghệ… được kiểm chứng” là do cơ quan nào thực hiện việc kiểm chứng này.
Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến việc kiểm soát các chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ trong phế liệu và các nguồn khác nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để bảo đảm đầy đủ, khả thi và phù hợp với tên chương này.
Ông Huy cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất giữa nội dung các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cũng như tính khả thi, chặt chẽ của các kế hoạch; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Về bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân, hiện Việt Nam chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân nên cần có tuyên bố chính sách về vấn đề này để có căn cứ trong đàm phán và ký kết về các nội dung liên quan. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại hạt nhân là vấn đề mang tính quốc tế; Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, đề nghị khi rà soát, hoàn thiện các quy định này cần tham khảo đầy đủ hướng dẫn của IAEA, tham vấn rộng rãi các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực dân sự, công pháp, tư pháp quốc tế, bảo hiểm để bảo đảm tính khả thi.
Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Chính phủ khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Trong đó, lưu ý các nội dung như: Bảo đảm thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như là của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật, các điều ước quốc tế và quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.