Đề nghị bổ sung chính sách phát triển khoa học, công nghệ

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 15-2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ngày 15-2.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ngày 15-2.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp; thống nhất với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết với 4 nhóm chính sách lớn.

Đại biểu đánh giá, đây là những cơ chế, chính sách vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, cũng là để kịp thời cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu cũng cho rằng, đây là Nghị quyết có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội và cơ bản chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành và mang tính chất đặc thù.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “đặc thù” vào tên của Nghị quyết để thể hiện rõ nội hàm trong nội dung của Nghị quyết: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Đối với quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về chính sách này để đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), dù được chuẩn bị trong thời gian ngắn nhưng dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo theo định hướng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

Đại biểu cũng đánh giá, dự thảo Nghị quyết đã đề cập nhiều nội dung đang là điểm nghẽn trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo chỉ quy định miễn trừ đối với những nội dung mang tính mới, sáng tạo, chiến lược để tạo sự rành mạch và hướng ưu tiên tập trung.

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ nội dung “công nghệ chiến lược” quy định tại Điều 12 dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu để bổ sung một số nội dung như: chính sách đối với đầu tư và phát triển trí tuệ nhân tạo; cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội, từ các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…

Thu Hoài

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202502/de-nghi-bo-sung-chinh-sach-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-55b15dc/