Đề nghị Chính phủ phân tích sâu và có giải pháp cho những vấn đề ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế - xã hội
Chiều 30/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại phiên họp toàn thể hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm qua, đồng thời nêu thêm nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn và đề nghị Chính phủ có thêm thêm phân tích đánh giá để có giải pháp xử lý, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sản xuất nông sản phải có quy hoạch, định hướng dựa trên dự báo thị trường
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ rõ, mặc dù thời gian qua kim ngạch nông sản có xu hướng tăng nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có nhiều biểu hiện thu hẹp dần, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo hiện giá trị rất thấp và có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ lệ cao, nhất là tỷ lệ trái cây, rau quả chiếm trên 90% tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này và còn phụ thuộc nhiều vào đường tiểu ngạch. Từ ngày 1/1/2019 trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc và có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật, trong khi nước ta lại phải nhập khẩu trái cây và đáng lưu ý là khoảng 70% giá trị nhập khẩu trái cây, trùng với các loại sản phẩm mà trong nước chúng ta sản xuất được. Đồng thời, thế mạnh về thủy sản gặp nhiều bất lợi trong việc Ủy ban châu Âu chưa gỡ thẻ vàng.
Đại biểu cho rằng các thực trạng này dù đã có gắng giải quyết nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ có hiệu quả những tồn tại trong thời gian còn lại. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng cần phải có quy hoạch, định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh trường hợp người dân phải đổ xô trồng thanh long, dưa hấu,… và đang mở rộng diện tích lớn vào trồng cam, xoài... phải giải cứu.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyến cũng lưu ý tư duy an ninh lương thực cũng cần phải thay đổi, từ chú trọng đến số lượng chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm theo tư duy kinh tế nông nghiệp. Cần nhìn nhận đúng khái niệm "an ninh lương thực" trong bối cảnh nhu cầu hiện nay kèm theo với "an ninh dinh dưỡng" để cân đối và quy hoạch sản xuất phù hợp, tránh cung cầu bất hợp lý. Đồng thời, phát triển nông nghiệp nên quan tâm giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện nay một cách căn cơ là vấn đề ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây sạt lở, gây nguy cơ nước biển dâng.
Phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề chúng ta vui mừng về kết quả phát triển kinh tế, nhưng kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân. Thậm chí, nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường.
Đại biểu dẫn chứng, chúng ta càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì dường như môi trường sống càng bất an từ vấn đề thực phẩm vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước sinh hoạt. Vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền xấu đi trong mắt của người dân. Nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu sự xuống cấp về nhân cách, về đạo đức. Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ phạm đa số là những người quen, người thân, thậm chí là người ruột thịt.
Trước thực trạng đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần. Đối với một số hiện tượng xã hội cần phải được tập trung nghiên cứu, phân tích để có giải pháp xử lý một cách thỏa đáng. Các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa để có giải pháp khắc phục kịp thời hoặc những đề án, chương trình giải quyết các vấn đề an sinh xã hội ở một số địa phương cần được tập trung nguồn lực giải quyết.
Đại biểu cũng cho rằng, dường như chúng ta chưa có được một nền văn hóa phát triển bền vững, bởi muốn có văn hóa phát triển bền vững cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực, phải khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống. Đặc biệt, cần phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế. Đại biểu lưu ý rằng, đối với lĩnh vực văn hóa, đôi khi cũng không phải là vấn đề ngân sách mà có lẽ quan trọng là ở cách làm.
Nhiều đơn vị chính quyền địa phương chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho biết, qua theo dõi cách xử lý thiên tai như lũ quét, lở đất và tai họa do bất cẩn hoặc hành vi vi phạm pháp luật của con người, như vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Công ty Vedan Đồng Nai, ở Công ty Formosa Hà Tĩnh, vụ cháy Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông Hà Nội, vụ đổ trộm chất thải công nghiệp vào nguồn nước cung cấp nước sạch cho Hà Nội... có thể thấy chính quyền nhiều nơi, nhất là chính quyền đô thị nước ta, hết sức lúng túng, chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân.
Đại biểu đặt câu hỏi vì sao chính quyền nhiều vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho dân như là tăng cường trồng rừng, xây dựng các công trình kiên cố chống lũ, di dân và cảnh báo kịp thời sơ tán dân trước khi lũ lụt xảy ra. Vì sao chính quyền ở nhiều vùng có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường không có biện pháp kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Khi xảy ra sự cố không kịp thời thông báo cho dân có biện pháp bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại cho dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Do đó cần giảm bớt họp hành, hội thảo, mít tinh và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ ngay trong thời gian tới cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có trách nhiệm để làm thay đổi căn bản tình trạng đáng buồn này.
Giải pháp phát triển thương hiệu nông sản
Đại biểu Đoàn Văn Việt – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng hiện nay công tác quản lý nhà nước để việc bảo vệ và phát triển thương hiệu đang gặp không ít khó khăn. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 1320 ngày 08/10/2019. Bên cạnh các thương hiệu quốc gia có uy tín về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nhiều tỉnh, nhiều thành phố đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, của vùng miền mình. Tuy nhiên, thực tế của địa phương cũng đã cho thấy những hạn chế trong việc phát triển thương hiệu, nhiều nhãn hiệu đã được chứng nhận nhưng đăng ký sử dụng không có hiệu quả. Có những sản phẩm là những lợi thế nhưng chúng ta chưa được phát triển tương xứng trên thị trường trong và ngoài nước. Công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu thương hiệu, sau chứng nhận còn hạn chế, việc phát hiện cũng như xử lý hành vi vi phạm về nhãn hiệu, về xuất xứ hàng hóa, về thương hiệu cũng còn nhiều bất cập.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Đoàn Văn Viết đề xuất nhóm giải pháp nhằm phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững.
Một là, các địa phương cần tiếp tục xác định sản phẩm thế mạnh của mình, tập trung nguồn lực và thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp để thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia việt Nam đến năm 2030; quan tâm có các giải pháp để nâng cao nhận thức của người sản xuất về vai trò của thương hiệu, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cũng như quảng bá cho thương hiệu.
Hai là, các bộ, ngành cần tiếp tục định hướng và hỗ trợ địa phương trong việc đăng ký xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trong nước, khu vực và quốc tế. Phát triển ứng dụng công nghệ số đối với việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Tăng cường kiểm soát và cần có chế tài đủ mạnh để phòng, chống các hành vi vi phạm về nhãn hiệu, về xuất xứ hàng hóa, về thương hiệu ở cấp độ của quốc gia.
Ba là, các hiệp hội, doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ hợp tác và các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cần chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu, có biện pháp duy trì bảo vệ uy tín thương hiệu, động viên, hướng dẫn các thành viên tham gia sử dụng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ tên gọi, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa đối với các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp của mình, của địa phương, của doanh nghiệp mình.
Bốn là, cần phải có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, có thương hiệu cho thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các vùng chuyên canh nông sản có giá trị và từng bước xây dựng cũng như định hình thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đề xuất đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào Nghị quyết của Quốc hội
Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ đã phản ánh tương đối cân bằng giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị quan tâm giải quyết một số nội dung gắn với bảo đảm an sinh xã hội như về tiếp tục thực hiện điều chỉnh tăng lương, trong đó quan tâm đến lương cho những người về hưu, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1993; giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp; giải quyết chế độ cho những người lao động có chủ nợ đọng bảo hiểm xã hội đã bỏ trốn hoặc phá sản. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phải có có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về Bảo hiểm xã hội một lần.
Cùng quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị tiến hành tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội để làm cơ sở cho việc điều chỉnh pháp luật đối với việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hướng tới sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Đại biểu cũng đề nghị đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020.
Bên cạnh đó, tại phiên họp đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ băn khoăn trước tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế từ sản xuất, lưu thông đến phân phối, do đó cần giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế, quan trọng nhất phải đặt Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thì tập trung phân tích các nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm trong lĩnh vực đầu tư phát triển và đề nghị đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp căn cơ và quyết liệt hành động để khắc phục dứt điểm hạn chế này. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, xử lý công khai những người đứng đầu để giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn phân bổ và giao theo kế hoạch của năm tài chính.
Phân tích rõ hơn ba vấn đề ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định trật tự xã hội và đời sống của người dân mà cử tri bức xúc gồm tình trạng sử dụng ma túy gia tăng, tệ nạn cờ bạc và vấn đề ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thì cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn, quyết liệt hơn để xử lý những vấn đề này.
Theo chương trình Kỳ họp, ngày 31/10, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42625