Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng hành lang pháp lý đối với tiền ảo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Chiều 15/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo

UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo

Trước đó, trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền.

Ông Thanh cho biết, năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện nay, các Bộ ngành mới đang triển khai nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và vì vậy, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động này.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của UBTV Quốc hội.

UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh.

"Thực tế đang vướng chỗ này, cũng rất sốt ruột. Vì vậy phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp. Khi chưa được pháp luật công nhận thì có cách xử lý thế nào cho phù hợp và nên giao Chính phủ nghiên cứu xử lý", Thủ tướng nêu quan điểm.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghi-chinh-phu-som-xay-dung-hanh-lang-phap-ly-doi-voi-tien-ao-post1486604.tpo