Đề nghị cho TPHCM thí điểm không tổ chức HĐND như thí điểm với Hà Nội

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cho phép TPHCM được thí điểm không tổ chức HĐND như thí điểm với Hà Nội để Trung ương có thể xem xét triển khai trong thời gian tới.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên họp tổ sáng 29-10-2019. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên họp tổ sáng 29-10-2019. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sáng 29-10, sau khi nghe trình bày các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại các tổ đại biểu về những vấn đề này.

Tại Tổ ĐBQH TPHCM, cơ bản đồng tình với việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, song ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh quan điểm, khi bỏ HĐND cấp phường thì cơ cấu HĐND quận làm sao phải bao quát, đại diện cho tất cả các phường.

“Phải tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức các đường dây nóng để người dân ở các phường được tiếp cận, tiếp xúc với ĐB HĐND quận, do chính người dân bầu ra. Quan trọng hơn cả là phải giải quyết nguyện vọng của cử tri một cách kịp thời”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý rằng TPHCM là một trong 10 địa phương đã từng thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội (khóa XII) ngày 15-11-2008, có hiệu lực ngày 1-4-2009 và rút ra nhiều bài học quý giá.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ băn khoăn: “Khi Quốc hội đi khảo sát, đánh giá thì lại không khảo sát ở TPHCM”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc không tổ chức HĐND ở cấp phường không khác nhiều so với đã việc đã thí điểm.

“Không lo chuyện không có người đại diện cho dân, vấn đề chỉ là ai đại diện, nếu không tổ chức ở cấp quận, huyện, phường thì HĐND TP sẽ là đại diện cho dân. Nhưng mục tiêu phải là giảm biên chế bền vững, muốn vậy đồng thời với việc không tổ chức HĐND cấp phường thì phải tổ chức lại bộ máy, phân định lại nhiệm vụ chức năng cho rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp, đem lại lợi ích thiết thực cho dân”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bình luận.

Trên cơ sở luận điểm đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị, nếu chỉ tổ chức 2 cấp HĐND thì là cấp phường và cấp tỉnh, đồng nghĩa với việc vẫn tổ chức HĐND cấp phường, không tổ chức ở cấp quận (vì là cấp trung gian). Tuy nhiên, cần cơ cấu lại HĐND cấp phường, vì cấp phường “có thể giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể (an sinh xã hội, rác, môi trường…), theo sát cộng đồng dân cư, còn vấn đề vượt quá phạm vi thì lên TP” . Nếu chỉ tổ chức 1 cấp HĐND thì chỉ là cấp TP.

Đáng lưu ý, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cho phép TPHCM được thí điểm như thí điểm với Hà Nội để Trung ương có thể xem xét triển khai trong thời gian tới.

ĐB Tô Thị Bích Châu có cùng quan điểm trên và cho rằng: Việc mở rộng thẩm quyền cho cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính phải tương ứng với mở rộng vai trò, chức năng giám sát. Nếu quyết định không tổ chức HĐND cấp phường thì phải tăng tính thẩm quyền và vai trò giám sát của Mặt trận cấp phường. Tuy nhiên, lựa chọn tốt hơn, theo ĐB Tô Thị Bích Châu vẫn là không tổ chức HĐND ở cấp trung gian – cấp quận.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-nghi-cho-tphcm-thi-diem-khong-to-chuc-hdnd-nhu-thi-diem-voi-ha-noi-625334.html