Đề nghị chuyển đổi 190 ha rừng làm đường, dự án du lịch ở Lâm Đồng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh thống nhất về mặt nguyên tắc việc điều chỉnh cục bộ hơn 190 ha đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện các dự án đầu tư.
Ngày 22/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng có văn bản trình UBND tỉnh này thống nhất về nguyên tắc việc điều chỉnh cục bộ diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện các dự án đầu tư.
Sở này đề nghị tỉnh thống nhất về nguyên tắc việc điều chuyển hơn 129 ha đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú, Đồng Nai - Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Diện tích đất lâm nghiệp này thuộc địa giới hành chính xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm; xã Đạ Oai, Đạ Tồn, Phước Lộc thuộc huyện Đạ Huoai và các xã Đạ Kho, Đạ Pal, Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và các thủ tục có liên quan để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc nói trên theo đúng trình tự, quy định.
Để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng kiểm kê, lập hồ sơ để các cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho chuyển 8,49 ha đất lâm nghiệp (thuộc đối tượng rừng sản xuất) sang đất phục vụ giao thông.
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 729 kết nối Lâm Đồng với Bình Thuận giai đoạn 1 và đường tỉnh 722 kết nối Lâm Đồng với Đắk Lắk, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị tỉnh thống nhất về mặt nguyên tắc việc điều chuyển 39,37 ha đất lâm nghiệp ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Trong diện tích rừng nói trên có 26,43 ha thuộc đối tượng rừng sản xuất và 12,94 ha rừng phòng hộ.
Để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến đi qua đèo Mimosa và một số công trình trên quốc lộ 20, các cơ quan chức năng sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với 2,55 ha đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ môi trường.
Với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Phi Tô, huyện Lâm Hà đi xã Lát (huyện Lạc Dương), dự kiến chuyển đổi hơn 5,8 ha đất quy hoạch lâm nghiệp sang đất phục vụ mục đích khác, trong đó trên 1,5 ha rừng sản xuất và hơn 4,2 ha rừng phòng hộ.
Đối với dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn tại huyện Bảo Lâm, dự kiến đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp (thuộc đối tượng rừng sản xuất) khoảng 4,26 ha.
Một dự án khác là đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ cao cấp Phương Nam Việt của Cty TNHH Phương Nam Việt Đà Lạt cũng sẽ ảnh hưởng hơn 1,6 ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ môi trường.
Trước đó, theo ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương này đang có hàng nghìn ha rừng sản xuất đã đến thời kỳ cho khai thác. Tuy nhiên, loại rừng này sẽ được giữ lại để bù vào diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng làm đường giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.