Đề nghị có chính sách đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Tiếp tục phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 31, sáng 15/3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Về quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh, có ý kiến đề nghị quy định thống nhất, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ và đặt hàng sản xuất Quốc phòng và an ninh; quy định tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng, an ninh để có cơ chế đặc thù cho phù hợp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chỉnh lý lại Điều 12 và Điều 13 dự thảo luật thành 03 điều, Điều 14, 15 và Điều 16, quy định tách bạch, cụ thể các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng an ninh. Đối với hoạt động đấu thầu, dự thảo Luật dẫn chiếu quy định Luật Đấu thầu với hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sửa lại tên Điều là “Nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh”; sắp xếp lại các quy định để tách bạch nguồn lực tài chính giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đề nghị quy định chính sách “Nhà nước ưu tiên ngân sách đầu tư, có các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm cho Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp”, đồng thời để giúp các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động, phát triển sản phẩm mới, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách Nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp phù hợp, là cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược.

Đối với quỹ, Thường trực UBQPAN thống nhất với Cơ quan soạn thảo xây dựng 02 phương án.

Phương án 1: Đề xuất hình thành Quỹ CNQP, AN, dự thảo Luật bổ sung 01 Điều quy định về Quỹ CNQP, AN.
Phương án 2: Không quy định về Quỹ phát triển CNQP, AN vì chưa phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Thường trực UBQPAN thống nhất với Cơ quan soạn thảo đề nghị UBTVQH lựa chọn Phương án 1 và Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý đang được thể hiện theo phương án này tại Điều 19 và Điều 20./.

Diệu Huyền - Quang Sỹ - Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-nghi-co-chinh-sach-dac-thu-cho-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep-214282.htm