Đề nghị có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm việc vi phạm dán nhãn năng lượng tiết kiệm

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện như: kính xây dựng, vật liệu cách nhiệt.

Ngày 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tiến tới bắt buộc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng

Quan tâm đến việc bổ sung quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng tại khoản 2 Điều 37 của dự thảo luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay. Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong các công trình được dùng cho điều hòa và chiếu sáng chủ yếu do sử dụng vật liệu xây dựng kém hiệu quả. Tuy nhiên, khi triển khai áp dụng dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định như: thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu; số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít; chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận.

Từ đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị, Chính phủ cần ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện như: kính xây dựng, vật liệu cách nhiệt. Đại biểu cũng đề nghị xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận. Quy định ứng dụng QR code, nền tảng số trong sản xuất kinh doanh loại vật liệu này để truy xuất nhãn hiệu năng lượng minh bạch, giúp người tiêu dùng hiểu được sản phẩm mình đang dùng. Đồng thời, có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cũng cho rằng, cần tăng cường tính minh bạch trong dán nhãn năng lượng. Theo đại biểu, quy định về dán nhãn năng lượng và công khai thông tin là cần thiết nhưng còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ, đặc biệt trong thương mại điện tử. “Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm tra định kỳ và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ dán nhãn năng lượng, nhất là trên các nền tảng thương mại điện tử. Cần có quy định cụ thể về việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng” - đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.

Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dán nhãn năng lượng trong vật liệu xây dựng có trong cơ chế hiện hành trong luật. Tuy nhiên về cách làm thời kỳ này khác, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào câu chuyện hướng dẫn, ban hành các tiêu chuẩn, định mức và thậm chí hình mẫu của các nhãn hiệu như thế nào, trước đây thì trực tiếp duyệt để đi dán, bây giờ là cơ chế tự quyết định của các doanh nghiệp, của các tổ chức sản xuất và Nhà nước chỉ làm hậu kiểm cho nên tiết kiệm được rất nhiều thủ tục hành chính và cũng tăng cường tính tự giác và sự phấn đấu của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp.

Quỹ thúc đẩy năng lượng tiết kiệm

Một nội dung được các đại biểu quan tâm, đó là cơ chế vận hành, sử dụng Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, dự thảo luật quy định "quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, huy động vốn linh hoạt và độc lập tài chính", tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý, phân bổ vốn và trách nhiệm của các bên liên quan. “Tôi đề nghị bổ sung quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức, tiêu chí phân bổ vốn và cơ chế giám sát hoạt động của quỹ, cần làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ để tránh lãng phí hoặc lạm dụng nguồn lực” – đại biểu kiến nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu.

Giải trình về quỹ này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, khi thành lập quỹ này thì có định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55 là thành lập các quỹ từ các nguồn khác nhau. “Về mặt chế định, đây là điểm mới so với luật hiện hành nhưng không phải thành lập một tổ chức mới, quỹ này là một chế định mới và để thực hiện chủ trương xã hội hóa là cơ sở chính trị và cơ sở thực tế. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 10 năm trở lại đây, các nguồn tài trợ rồi các tín dụng, các cấp độ khác nhau để chúng ta có được khoảng 300 triệu USD, chưa có chỗ nào tập trung để nhận khoản tiền này thành ra cứ gửi vào các ngân hàng là cơ chế thu như thế nào đó thì bây giờ cần có một nơi tập trung để thu hút các nguồn này” – Phó Thủ tướng cho biết, Ông chia sẻ, theo dự kiến của cơ quan soạn thảo, vận hành của quỹ này sẽ theo nguyên tắc là ủy thác nghiệp vụ tín dụng cho 1 ngân hàng thương mại. Chính phủ sẽ có đề án về việc thành lập và hoạt động của quỹ nhằm đảm bảo thu hút được nguồn tốt và quản lý có hiệu quả, thực hiện đúng mục tiêu.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-co-co-che-hau-kiem-chat-che-xu-ly-nghiem-viec-vi-pham-dan-nhan-nang-luong-tiet-kiem-i769800/