Đề nghị di lý cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang đến phiên xử ông Trương Quốc Cường

Hôm nay (TAND TP Hà Nội đưa cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và bị cáo liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada ra xét xử.

HĐXX đã triệu tập các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: Đại diện Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Tổng cục Hải quan, Hải quan TP Hồ Chí Minh, Công ty VN Pharma, Công ty TNHH thương mại Hàng hải Quốc tế H&C. Ngoài ra, Tòa còn triệu tập 51 người làm chứng khác đến phiên tòa.

Được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) có đơn xin vắng mặt.

Hồi tháng 3, ông Cao Minh Quang bị khởi tố bắt tạm giam để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì liên quan đến vụ Công ty Dược phẩm Cửu Long giữ lại 3,848 triệu USD tiền giảm giá mua nguyên liệu từ ngân sách nhà nước.

Luật sư của bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế) đề nghị di lý bị can Cao Minh Quang đến tòa. Luật sư cho rằng, lời khai của ông Quang còn mâu thuẫn và ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo Châu.

Ông Trương Quốc Cường tại tòa

Đồng quan điểm với luật sư của bị cáo Châu, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế) cũng đề nghị triệu tập cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đến tòa để làm rõ một số tình tiết vụ án.

Theo luật sư, bị cáo Thủy kêu oan và cần sự có mặt của ông Quang tại tòa để đưa ra những giải thích trong lời khai mâu thuẫn của ông Quang liên quan đến Quy chế 63 và liên quan đến tội danh của bị cáo Thủy.

Cả hai luật sư đều đề nghị triệu tập Hội đồng giám định của Bộ Y tế cùng 19 thành viên của Hội đồng.

Hành vi của ông Cao Minh Quang gây hậu quả nghiêm trọng

Trong vụ án này, ông Cao Minh Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế), Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc đã có sai phạm.

Cựu Thứ trưởng thừa nhận việc ký ban hành Công văn 2970 có nội dung: Các giấy tờ pháp lý (FSC, GMP, CPP) trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự là trái quy định của pháp luật.

VKS cho rằng, hành vi của ông Cao Minh Quang có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của ông Quang cần được tiếp tục làm rõ để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, ngày 25/11/2010, ông Cao Minh Quang đã chủ trì, điều hành phiên họp Hội đồng xét duyệt đợt 70 bổ sung, các thành viên Hội đồng đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký cho 228 thuốc. Trong đó có 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.

Cục Quản lý Dược có Phiếu trình số 1571/QLD-KD ngày 13/12/2010, do ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng ký, báo cáo Thứ trưởng Cao Minh Quang xin ý kiến về việc cấp số đăng ký cho 1007 thuốc (đợt 70 có 779 thuốc; đợt 70 bổ sung có 228 thuốc). Và, ông Cao Minh Quang phê duyệt đồng ý.

Ngày 23/12/2010, Cục Quản lý Dược ban hành Quyết định số 440/QĐ-QLD do Cục trưởng Trương Quốc Cường ký công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam đợt 70 bổ sung (có giá trị 5 năm kể từ ngày ký).

Trong đó, thuốc H2K Ciprofloxacin được cấp số đăng ký VN-11531-10, thuốc H2K Levofloxacin được cấp số đăng ký VN-11532-10 (Cục Quản lý Dược rà soát, đề nghị không cấp số đăng ký cho 14 thuốc).

Cáo buộc cho rằng, bị cáo Phạm Hồng Châu là người tham gia soạn thảo Công văn 5249, biết rõ Công văn này được căn cứ và nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Thông tư 01 về hợp pháp hóa lãnh sự.

Bị cáo biết rõ quy định tại Điều 1.5, Điều 3.1 Công văn 5249: “GMP phải ghi rõ tên, địa chỉ nhà sản xuất, chứng nhận dây chuyền có dạng bào chế của thuốc đăng ký...”, “Trường hợp giấy chứng nhận GMP/CPP không ghi rõ cơ sở sản xuất đạt nguyên tắc tiêu chuẩn GMP-WHO, cơ sở đăng ký phải cung cấp bằng chứng chứng minh nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP mà cơ sở sản xuất đã đạt không thấp hơn nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP-WHO”.

Dù vậy, bị cáo đã kết luận biên bản cho bổ sung hồ sơ, kết luận biên bản đề nghị cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc Health 2000, trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp và chỉ dựa trên ý kiến thẩm định bổ sung của một chuyên gia, trái quy định nhóm thẩm định hoạt động theo nguyên tắc tập thể quy định tại Điều 2 mục II Quy chế 63.

Theo cáo buộc, dù không có thẩm quyền quyết định và biết rõ việc thẩm định hồ sơ thuốc phải theo thứ tự, nhưng bị cáo Châu vẫn chỉ đạo đưa hồ sơ ra thẩm định sớm, tạo điều kiện để 2 thuốc trên sớm được xét duyệt, cấp số đăng ký.

Hành vi của bị cáo dẫn đến hậu quả sau khi được cấp số đăng ký, 06/07 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ hết tại Việt Nam, có trị giá hơn 148 tỷ đồng.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-nghi-di-ly-cuu-thu-truong-cao-minh-chau-den-phien-xu-ong-truong-quoc-cuong-2018557.html