Đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để các địa phương phát triển tốt hơn

Tại phiên thảo luận tại tổ vào chiều 17/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung của dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đặc biệt, các đại biểu đã đề nghị Ban Soạn thảo và Chính phủ xem xét điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, nhằm tạo điều kiện cho địa phương được chủ động hơn nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước hiện hành để đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung của dự thảo cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo các nguồn lực cho yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, phát biểu tại phiên thảo luận

Trước hết, về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước tại điểm a khoản 6 Điều 7, quy định mức dư nợ vay ngân sách địa phương, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị cân nhắc nâng lên mức dư nợ vay là 150% thay vì 120% như dự thảo Luật đối với các địa phương không nhận phân bổ cân đối từ ngân sách Trung ương, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn về nguồn thu, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, cụ thể là đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND tỉnh quyết định. Điều này sẽ rất phù hợp với các địa phương sau khi hợp nhất cấp tỉnh.

Mặc dù tại điểm c khoản 6 có quy định mở là: Trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn, UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cùng cấp xem xét, cho ý kiến để báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định, nhưng để thực hiện theo quy trình này thì mất rất nhiều thời gian và sẽ làm chậm tiến trình phát triển của địa phương.

Thứ hai, đối với nguồn thu của ngân sách Trung ương tại Điều 35, cụ thể là khoản thu “Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý” và tại điểm h khoản 1, dự thảo quy định: “Thu nộp ngân sách nhà nước từ khai thác, xử lý tài sản công do cơ quan nhà nước ở Trung ương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Tại điểm đ khoản 2, quy định tỷ lệ phân chia như sau:“Các địa phương không nhận bổ sung cân đối: Ngân sách Trung ương hưởng 30%, ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối: Ngân sách Trung ương hưởng 20%, ngân sách địa phương hưởng 80%”.

Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, đây là quy định mới so với Luật hiện hành, nhằm bổ sung cho ngân sách Trung ương (vốn sụt giảm vài năm gần đây) để ngân sách Trung ương thật sự đảm bảo vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đề nghị cần cân nhắc cho phù hợp, hài hòa giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho địa phương được chủ động hơn về ngân sách và cân đối ngân sách.

Từ thực tế, do đặc thù, rất nhiều tỉnh phát triển công nghiệp, tiền sử dụng đất dùng để chi đầu tư phát triển, vì nguồn lực hiện có của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của tỉnh. Đại biểu dẫn chiếu cụ thể tại tỉnh Long An: Nguồn thu từ “Tiền sử dụng đất” của tỉnh Long An chiếm 23% tổng thu nội địa và chiếm 57% dự toán chi đầu tư phát triển trong dự toán năm 2025 của tỉnh, chiếm 43% tổng vốn chi đầu tư phát triển trung hạn 2026 - 2030.

Trong giai đoạn tới, tỉnh Long An triển khai các dự án tuyến đường liên kết vùng nhằm kết nối với vùng Đông và Tây Nam Bộ, đường Vành đai 4 TP.HCM và Quốc lộ 50B (ĐT827E),... đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong đó tiền sử dụng đất là nguồn chủ lực. Do đó sẽ rất cần các nguồn lực lớn để đầu tư và nguồn tiền sử dụng đất là một trong những nguồn vốn quan trọng và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi đầu tư phát triển.

Như vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động trong cân đối vốn thực hiện các dự án quan trọng liên kết vùng, kết nối khu vực, phục vụ lưu thông hàng hóa, nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Long An, mà cho các tỉnh khác trong vùng, khu vực.

Đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, dự thảo luật điều chỉnh theo hướng: Nếu thực hiện theo tỷ lệ phân chia như dự thảo Luật thì phải có lộ trình và chỉ áp dụng khi kết thúc chu kỳ đầu tư công các dự án trung hạn, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương được cân đối nguồn vốn và hoàn thành các công trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu áp dụng ngay như dự thảo luật thì rất khó cho các địa phương trong thực hiện các dự án, công trình còn dang dở và bị thiếu hụt nguồn vốn hoặc xem xét điều chỉnh tỷ lệ phân chia theo hướng: Ngân sách Trung ương hưởng 10%, ngân sách địa phương hưởng 90%.

Đây cũng là mong mỏi, kiến nghị của nhiều tỉnh qua các buổi hội nghị, trao đổi kinh nghiệm về công tác thu ngân sách.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, tham gia đóng góp dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, tham gia đóng góp dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Đối với nguồn thu “tiền thuê đất”, đại biểu Lê Thị Song An nêu: Hiện nay, nguồn thu này tại nhiều tỉnh, trong đó có tỉnh Long An chiếm khoảng 2% tổng thu nội địa và được sử dụng để cân đối chi thường xuyên.

Tuy nhiên, qua trao đổi, tìm hiểu, nghiên cứu, trong quá trình điều hành ngân sách, các nhiệm vụ chi thường xuyên có xu hướng phát sinh nhiều nội dung ngoài định mức đầu năm do thực hiện các chính sách, chế độ mới từ Trung ương, các nhiệm vụ chuyên môn, cải cách hành chính,...

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo chủ trương chung sẽ kéo theo trách nhiệm chi ngày càng lớn hơn cho các địa phương, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng phát triển về nông nghiệp, trong khi nguồn thu lại có nguy cơ bị điều tiết giảm, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách và thực hiện nhiệm vụ.

Việc phân chia khoản thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất theo tỷ lệ chưa hợp lý sẽ làm giảm tính chủ động tài chính của địa phương, đặc biệt là trong thực hiện chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tử đó, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh theo hướng: Ngân sách Trung ương hưởng 10%; ngân sách địa phương hưởng 90% đối với các khoản thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Thứ ba, về các khoản thu phân chia, theo dự thảo luật bao gồm: (a) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm c, điểm n khoản 1 Điều 35), thuế thu nhập cá nhân; (b) Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35; (c) Thuế bảo vệ môi trường; (d) Thuế giá trị gia tăng (không bao gồm số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng).

Đại biểu Lê Thị Song An cho biết, qua phản ảnh, rà soát các khoản thu của tỉnh Long An thì: (i) Thuế giá trị gia tăng chiếm khoảng 30% tổng cân đối ngân sách địa phương; (ii) Thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 33% tổng cân đối. Do đó, nếu thực hiện điều tiết lại các khoản thu này theo hướng giảm tỷ lệ để lại cho địa phương sẽ tác động rất lớn đến khả năng cân đối ngân sách, trong khi nhiệm vụ chi thường xuyên có xu hướng tăng, nhiều chế độ, chính sách mới do Trung ương ban hành chưa được tính đủ trong dự toán chi.

Để bảo đảm nguồn lực cho địa phương thực hiện nhiệm vụ theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đề nghị giữ nguyên tỷ lệ phân chia các khoản thu nêu trên như quy định hiện hành tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (điều tiết 5%). Đồng thời, đề nghị đánh giá tác động chính sách cụ thể về khả năng cân đối, mức độ tự chủ ngân sách của các địa phương, nếu áp dụng theo phương án quy định mới tại dự thảo Luật.

Cùng tham gia đóng góp đối với dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đánh giá thêm các tác động đối với nguồn ngân sách địa phương đối với việc bổ sung quy định nguồn thu và tỷ lệ phân chia theo quy định tại điểm đ, điểm e, khoản 2, Điều 35 của dự thảo luật. Đại biểu cho rằng đây là 2 nguồn thu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn thu của địa phương để tái đầu tư cho phát triển KT-XH. Do đó, việc đưa 2 nguồn thu này vào nguồn thu và phân chia tỷ lệ với ngân sách Trung ương sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương vì theo quy định hiện hành là các địa phương phải lập kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn đến năm 2020 trình cho cơ quan thẩm quyền phê duyệt, nhất là việc đầu tư thực hiện các công trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế vùng, khu vực, các trục động lực liên kết theo quyết định phê duyệt quy hoạch vùng, tỉnh trong thời gian tới và nhất là hiện nay việc thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh thì rất cần các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kết nối phát triển KT-XH.

Đại biểu Trần Quốc Quân đề nghị, Ban soạn thảo và Chính phủ cần xem xét, cân nhắc việc xác định lộ trình áp dụng tỷ lệ phân chia này vào năm 2030 để tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt áp lực cho các địa phương trong việc cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư công trung và dài hạn đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với quy định tại điểm a, b, c khoản 6, Điều 7 của dự thảo luật về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, đại biểu Trần Quốc Quân thống nhất và đánh giá rất cao việc mở rộng pham vi, tỷ lệ dư nợ vốn vay của các địa phương tăng lên 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp đối với đơn vị không nhận cấp bổ sung ngân sách và 80% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp đối với đơn vị nhận cấp bổ sung ngân sách và quy định trường hợp có nhu cầu huy động nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thì báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Đại biểu cho rằng việc mở rộng phạm vi và tỷ lệ dư nợ vốn vay này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương huy động các nguồn lực để đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá thêm tác động của việc mở rộng tỷ lệ này đến tỷ lệ nợ công của địa phương và chỉ số an toàn nợ công quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội cho phép.

Đồng thời, dự thảo luật cũng cần có quy định cơ chế kiểm soát về việc sử dụng ngồn vốn vay và tình hình nợ công địa phương một cách công khai, minh bạch để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-nghi-dieu-chinh-ty-le-phan-chia-nguon-thu-giua-ngan-sach-trung-uong-va-ngan-sach-dia-phuong-de-cac-dia-phuong-phat-trien-tot-hon-a195465.html