Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1: Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến trái chiều, thậm chí là luận điệu xuyên tạc xung quanh nghị định này.

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến trái chiều, thậm chí là luận điệu xuyên tạc xung quanh nghị định này.

Ghi nhận từ thực tế

Ngày cuối tuần giữa tháng 1/2025, tại một số tuyến đường trung tâm quận Thuận Hóa, phóng viên có dịp theo chân các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Trật tự, Công an quận Thuận Hóa tham gia tuần tra, kiểm soát. Ghi nhận thực tế cho thấy, ý thức tham gia giao thông của người dân đã tốt hơn. Tại các nút giao thông, khi đèn xanh còn dưới 3 giây, các phương tiện đều chủ động giảm tốc độ để dừng đèn đỏ thay vì “chạy gắng”. Tình trạng vượt đèn đỏ cũng không còn diễn ra thường xuyên như trước đây…

Phát hiện một trường hợp điều khiển xe máy vi phạm lỗi không lắp gương chiếu hậu, lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Sau khi nhắc nhở và tuyên truyền về NĐ168, anh Nguyễn Thái H. đã ý thức được thiếu sót của bản thân và cam kết sẽ lắp gương chiếu hậu ngay.

“Lỗi không lắp gương chiếu hậu bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng. Thay vào đó, tôi chọn lắp bộ gương trị giá khoảng 200 nghìn đồng; vừa chấp hành luật giao thông, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân”, anh H. bộc bạch.

Theo chia sẻ của một cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an quận Thuận Hóa, những ngày đầu ra quân xử phạt theo NĐ168, lực lượng CSGT tập trung vào tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức đối với những lỗi vi phạm nhỏ và chủ quan; đồng thời, xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm và có thái độ phản ứng tiêu cực.

Đơn cử như thời điểm sau hai trận thắng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam trước Thái Lan tại chung kết ASEAN Cup 2024, nhiều tuyến đường trung tâm quận Thuận Hóa đã diễn ra tình trạng người hâm mộ đi “bão” gây kẹt xe, ùn tắc và mất ATGT. Lực lượng CSGT quận Thuận Hóa đã triển khai 100% quân số trực chiến từ 19h tối cùng ngày và phối hợp cùng các lực lượng cảnh sát khác xử phạt nhiều đối tượng thanh, thiếu niên càn quấy, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự.

Trung tá Nguyễn Duy Anh, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an quận Thuận Hóa cho biết: Ngay từ ngày 1/1/2025, đơn vị đã phân công các tổ tuần tra, kiểm soát tuần lưu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm thuộc quận Thuận Hóa nhằm tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ. Thống kê sơ bộ, những lỗi vi phạm phổ biến phải kể đến như: Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện; dừng, đỗ xe sai quy định; không có chứng nhận đăng ký xe, không có GPLX…

Tại khu vực Bến xe phía Nam (quận Thuận Hóa), Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT Công an TP. Huế cũng tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, test ma túy các lái xe tại bến xe trước khi xuất bến. Trong khoảng 20 phút, đã kiểm tra hơn 15 lái xe nhưng không phát hiện trường hợp nào có nồng độ cồn hay dương tính với ma túy.

Anh Đinh Công Toàn, chủ một xe khách tại đây chia sẻ: “Với mức phạt cao như NĐ168, cả lái xe lẫn chủ xe chắc chắn phải cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông. Việc trực tiếp đánh vào “túi tiền” của người tham gia giao thông là biện pháp mạnh, góp phần nâng cao ý thức của người dân và giảm thiểu các vụ tai nạn.

Bên cạnh công tác tuyên truyền và kiểm tra, Trạm CSGT Phú Lộc cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công tổ tuần tra, kiểm soát chốt chặn xử lý vi phạm tại các tuyến, giao lộ trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các lỗi như: Vi phạm về nồng độ cồn; chạy quá tốc độ, chở quá khổ, quá tải, quá giới hạn; các hành vi nẹt pô, rú ga gây mất an ninh trật tự trên đường. Qua đó, góp phần đảm bảo trật tự ATGT để Nhân dân vui Tết đón xuân được bình yên, an toàn.

Từ sợ đến hình thành thói quen

Thống kê từ Bộ Công an, trong nửa tháng thực hiện NĐ168, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 174 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, gần 50.000 mô tô; hơn 12.000 trường hợp bị trừ điểm GPLX.

So với thời gian trước liền kề, số vụ xử phạt giảm gần 23.000 trường hợp (giảm 11,54%). Tình hình tai nạn giao thông cũng đã có chuyển biến rõ rệt khi giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương; so với cùng kỳ giảm 355 vụ (giảm 34,27%), giảm 47 người chết (giảm 11,41%), giảm 426 người bị thương (giảm 34,24%) so với trước liền kề giảm 347 vụ (giảm 34,53%), giảm 94 người chết (giảm 20,47%), giảm 301 người bị thương (giảm 39,92%).

Có thể thấy, bước đầu NĐ168 đã mang lại những hiệu quả tích cực khi giúp người dân hình thành thói quen văn minh khi tham gia giao thông, nên số vụ xử phạt và tai nạn cũng đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung tá Nguyễn Duy Anh, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an quận Thuận Hóa chia sẻ: “Qua đánh giá, đa phần người dân đã có ý thức hơn trong việc đảm bảo các quy định của pháp luật trên lĩnh vực trật tự, ATGT đường bộ. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn hạn chế về trình độ, nhận thức nên lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, xử lý hành vi vi phạm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung đa dạng hình thức tuyên truyền hơn nữa để lan tỏa NĐ168 đến đông đảo người dân”.

Theo thông tin từ Công an TP. Huế, tại địa phương, từ ngày 1/1/2025 đến nay, hơn 700 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự, ATGT cũng đã bị xử phạt. Đánh giá bước đầu, NĐ168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người khi tham gia giao thông. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều… đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, phần lớn người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông, kể cả khi không có sự xuất hiện của lực lượng CSGT. Điều đó cho thấy sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của mỗi công dân; từ đó hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/de-nghi-dinh-168-di-vao-cuoc-song-bai-1-y-thuc-tham-gia-giao-thong-cua-nguoi-dan-tot-hon-150256.html