Đề nghị dùng chó nghiệp vụ đuổi đàn voọc tấn công người

Hôm nay 23/9/2020, tại Đồn Biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hóa), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Hướng Hóa, xã Hướng Lập và lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm Quảng Trị bàn giải pháp xua đuổi đàn voọc Hà Tĩnh tấn công người.

 1 con voọc lao ra tấn công người đi đường- Ảnh: Hoàng Táo

1 con voọc lao ra tấn công người đi đường- Ảnh: Hoàng Táo

Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Thị Ven cho biết đàn voọc 3 con, gồm 2 đực, 1 cái, xuất hiện từ tháng 5/2020. Đến tháng 7/2020, voọc đuổi theo xe, rồi tấn công người. Đến nay đã có 9 người bị tấn công, trong đó có 1 phụ nữ mang thai 8 tháng, 3 người phải khâu 4 mũi ở chân. Mới đây nhất, ngày 20/9, một phụ nữ ở Khe Sanh bị tấn công khiến trầy xước chân. Bà Ven lo ngại nhất là trẻ em đi học, dù có người lớn chở nhưng vì đi xe máy nên vẫn không an toàn. Khu vực đàn voọc tấn công người là đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu kéo dài khoảng 600 m.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hướng Lập Nguyễn Quốc Cảm cho hay voọc thường nấp trong bụi cây, chờ người đi đến thì bất ngờ nhảy ra khiến người dân bị ngã xe rồi mới cắn. Gần đây, voọc liều lĩnh hơn, ngồi trên cây sát đường, chờ người dân đi xe máy ngang qua rồi nhảy xuống tấn công. Tuy nhiên, voọc lại đứng yên khi người dân đi bộ, dù đến gần khoảng 5 m. Xã Hướng Lập đã phối hợp các lực lượng cử người trực khoảng 1 km ở tuyến đường này nhưng không đủ nhân lực, 2 lần phát quang bụi rậm ven đường để người đi đường dễ quan sát, phát tiếng chó sủa bằng loa di động để xua đuổi voọc nhưng không hiệu quả. Dù tổ chức lực lượng xua đuổi nhưng voọc chạy ngược lên ở trên đồi đá, vào khu rừng ma của người địa phương, lực lượng truy đuổi không tiếp cận được nên khó xua đuổi triệt để.

Theo lực lượng kiểm lâm, voọc xuất hiện ở vùng đồi này từ năm 2012, ghi nhận ở vùng núi các xã Hướng Sơn, Hướng Lập. Thời điểm này, voọc chỉ chạy theo người, nhưng thời gian gần đây trở nên manh động, thường xuyên tấn công người. Nguyên nhân có thể đàn này tách đàn do không đủ thức ăn hoặc một số con muốn tự tách đàn, mất sinh cảnh sống. Các đại biểu đề xuất tiếp tục các giải pháp trên, kết hợp dùng chó nghiệp vụ làm loài đối kháng để xua đuổi. Nếu dùng chó không hiệu quả thì tính đến phương án gây mê, các phương án đặt bẫy lồng, đặt bả an toàn hơn cũng được đưa ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho hay việc xua đuổi đàn voọc rất khó vì vừa bảo vệ tính mạng người dân, vừa đảm bảo an toàn cho đàn voọc. Ông Thuận đề nghị địa phương tiếp tục xua đuổi trong thời gian tới, nhưng phải đảm bảo bảo vệ người dân, đồng thời an toàn cho đàn voọc, tránh tạo tiếng động khiêu khích đàn voọc, tuyên truyền người dân tăng cường cảnh giác. Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Phương đề nghị các đơn vị, trước mắt tăng cường tuyên truyền cho người dân, xua đuổi quyết liệt hơn, đuổi sâu vào rừng, không cho voọc tiếp cận sát khu vực đường Hồ Chí Minh, giao Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nghiên cứu bố trí một số đoạn hàng rào bằng dây cước, đề nghị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ 2 chó nghiệp vụ trong 5 ngày, với mục đích chỉ sử dụng tiếng chó để xua đuổi, không để xảy ra xung đột giữa chó và voọc. Kiểm lâm Quảng Trị liên hệ với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) để hỗ trợ, bảo tồn tại chỗ 3 con voọc này. Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Loài động vật này sống theo từng đàn từ 2 đến 15 cá thể, nhưng cũng gặp những nhóm tới 30 cá thể, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Hoàng Táo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=151783