Đề nghị giám sát 'ai sử dụng nhà ở xã hội', nơi quá đông, nơi không bóng người
ĐBQH cho rằng, việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa giữa thực tế và mục tiêu, yêu cầu đề ra. Có địa điểm nhà ở xã hội không có người tham gia, có nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng được mua nhà còn nhiều tranh luận.
Quốc hội sáng 27/5 thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đồng tình lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng chuyên đề này cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội, vì chính sách nhà ở xã hội. Trước năm 1992, Nhà nước thực hiện phân phối nhà cho cán bộ, công nhân viên nhà nước. Đến năm 1991, chính sách bao cấp nhà ở đã bị xóa bỏ.
Nhưng khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện năm 2005 khi có luật Nhà ở. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội, theo đó Nhà nước ban hành các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, tiền thuê, sử dụng đất, ưu đãi lãi suất...
Tuy nhiên, ĐB tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc thực hiện nhà ở xã hội "thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Có địa điểm nhà ở xã hội không có người tham gia, có nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều tranh luận khác nhau".
Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, ông Hoàn cho rằng cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
Ông đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006 - thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005 cho đến năm 2023.
Ngoài ra, ĐB cho rằng nội dung giám sát cần trả lời được "Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào?".
100 người dân chỉ có 5 người biết đến Cổng dịch vụ công trực tuyến
Góp ý chương trình giám sát, ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chuyên đề giám sát về "thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong các luật, nghị quyết của Quốc hội từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay".
Ông Hiếu cho biết, để phục vụ cho quá trình tin học hóa, chuyển đổi số quốc gia, kể từ khi ban hành Hiến pháp 2013 đến nay, trong rất nhiều đạo luật có quy định xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Ông dẫn chứng riêng trong kỳ họp thứ 5 đã có trên 85% tổng số các dự án luật được cho ý kiến hoặc thông qua có quy định về nội dung này.
ĐB nhận định, việc thực hiện phải có nguồn lực lớn và kỹ thuật chuyên môn rất cao, nếu không được tổ chức thực hiện và giám sát thì có thể gây ra lãng phí nguồn lực.
Qua theo dõi thực tiễn triển khai các cơ sở thông tin dữ liệu, ông Hiếu cho biết còn có những tồn tại. Đó là có sự trùng lặp giữa các cơ sở dữ liệu, ví dụ cơ sở dữ liệu về pháp luật đang được Bộ Tư pháp vận hành tốt nhưng có nội dung tương tự với cơ sở dữ liệu về công báo.
Hay một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đang được xây dựng nhưng tính cập nhật, tính hiệu quả không được cao. Năm 2020 cơ sở dữ liệu mở quốc gia được khai trương, đóng vai trò quan trọng nhưng đến nay các dữ liệu trong đây vẫn chủ yếu từ năm 2020.
ĐB cho biết, có những cơ sở dữ liệu được đầu tư tương đối tốt nhưng hiệu quả phục vụ người dân chưa được cao. Trong báo cáo PAPI 2022 cho biết tỷ lệ người dùng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giảm từ 16% (2021) xuống 14% (2022), 100 người dân chỉ có 5 người biết đến Cổng dịch vụ công trực tuyến (chỉ có 4,85%).
Công cuộc tin học hóa, chuyển đổi số ở nước ta đã diễn ra trong thời gian dài tuy nhiên Quốc hội chưa giám sát chuyên đề tối cao vấn đề này. Vì vậy, ĐB cho rằng thời điểm này là phù hợp để giám sát, làm cơ sở hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
4 chuyên đề giám sát để ĐBQH lựa chọn
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.