Đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, hỗ trợ hàng không
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định, từ số thu năm 2012 là khoảng 11.676 tỷ đồng, đến năm 2019 đã là 63.079 tỷ đồng.
Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4% (năm 2019 là 4,07%). Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là 2.939 tỷ đồng/năm.
Từ tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải hàng không do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và các doanh nghiệp hàng không trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện hành theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường).
Mức thuế này được đề xuất áp dụng đến hết năm 2020, từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579.
Bộ Tài chính phân tích, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Do vậy, với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020, giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 900 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 990 đồng/lít.
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh các giải pháp khác, việc sử dụng công cụ thuế (trong đó có việc miễn, giảm thuế) cũng là một biện pháp để Chính phủ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp ngành hàng không duy trì được hoạt động kinh doanh, góp phần giảm giá thành các dịch vụ hàng không, từ đó kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, góp phần vực dậy ngành vận tải hàng không khỏi khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Một số nước trên thế giới cũng đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trước dịch COVID-19
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành hoạt động, từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động. Về lâu dài, khi ngành hàng không vượt qua khủng hoảng và phát triển thì có thể lượng lao động trong ngành hàng không sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể đến số lượng việc làm trong ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ hồi phục, phát triển của ngành hàng không dựa trên nhiều yếu tố khác như mức độ công nghệ, kỹ thuật quản trị doanh nghiệp,…
Đối với ngân sách nhà nước, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng nghĩa mức thu thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu bay cũng giảm tương ứng 10% so với mức giảm thuế bảo vệ môi trường (90 đồng/lít), khiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 72-80 tỷ đồng/tháng.
Đối với xã hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động.
Mới đây, nhiều ĐBQH và chuyên gia kinh tế đã đề xuất cần xem xét giảm 50% thuế BVMT cho các hãng bay. Thời gian giảm là 1 năm. Bởi hàng không bị thiệt hại nặng nề nhất và ngành này là động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là với các ngành du lịch dịch vụ.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn phân tích: “Trong bối cảnh ngành hàng không gặp rất nhiều khó khăn do dịch, dù tới đây sẽ mở lại một số đường bay quốc tế nhưng không thể phục hồi như trước nên cần xem xét tăng mức giảm này lên 50%. Như vậy, mặc dù số thu ngân sách nhà nước mỗi tháng sẽ giảm nhiều hơn con số 87,33 tỷ đồng theo tính toán của Bộ Tài chính nhưng xét về lâu dài, hỗ trợ hàng không chính là để nuôi dưỡng nguồn thu do đây là bệ phóng của nhiều ngành kinh tế khác. Thêm nữa số liệu tính toán trên thế giới cũng cho thấy, ngành hàng không tăng trưởng 2 - 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP”.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cũng đã có văn bản đề nghị giảm thuế BVMT từ 50-70% trong 1 năm cho các hãng hàng không.