Đề nghị giữ nguyên mức án với các bị cáo kháng cáo trong vụ án tại Ethanol Phú Thọ
Ngày 28-9, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố nêu quan điểm và đề nghị mức án đối với 6 bị cáo có kháng cáo tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án 'Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.
Đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm giữ nguyên mức án.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Tòa sơ thẩm đã áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ, bản án sơ thẩm phù hợp với những sai phạm mà các bị cáo phạm tội; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm bồi thường của các bị cáo: Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB), Phạm Xuân Diệu (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC), Lê Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh, PVB); không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự của các bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Đầu tư dự án, PVB), Khương Anh Tuấn (nguyên Phó Trưởng phòng Thương mại, PVB), Lê Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng kinh doanh, PVB) và Hoàng Đình Tâm (nguyên Kế toán trưởng, PVB).
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, bị cáo Vũ Thanh Hà khi thực hiện công việc đã có ý kiến phản đối việc thay đổi thiết kế, phương án thi công; các bị cáo Phạm Xuân Diệu, Lê Thanh Thái đều là người đồng phạm giữ vai trò thứ yếu và không được hưởng lợi gì trong dự án. Bị cáo Lê Thanh Thái tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra thu thập tài liệu làm sáng tỏ vụ án. Đây là những tình tiết giảm nhẹ mà Tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Ngoài ra, bị cáo Lê Thanh Thái còn kháng cáo xin hưởng án treo. Tuy nhiên, do bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bị xét xử theo khoản 3, điều 224 Bộ luật Hình sự nhưng đã được áp dụng mức hình phạt theo khoản 1, Điều 224 Bộ luật Hình sự là rất có lợi cho bị cáo, nên kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo cũng không được chấp nhận.
Xét kháng cáo của Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương), Viện Kiểm sát cho rằng, tháng 6-2011, Công ty Mai Phương được thành lập, thực chất do Trịnh Xuân Thanh thành lập và nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên. Ngày 10-6-2011, Đỗ Văn Hồng (là đại diện PVC Kinh Bắc) đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Trịnh Xuân Giới đại diện Công ty Mai Phương diện tích 3.400m2 đất tại Tam Đảo với giá là 23,8 tỷ đồng.
Ngày 26-8-2015, ông Trịnh Xuân Giới làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ của bị can Trịnh Xuân Thanh). Ngày 24-6-2016, bà Trần Dương Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm với giá 45 tỷ đồng. Ông Lâm nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ của Công ty Mai Phương, trong đó có 3.400m2 bất động sản.
Viện Kiểm sát đánh giá diện tích 3.400m2 đất nêu trên tại thị trấn Tam Đảo được nhận chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc của PVC đã bị sử dụng trái pháp luật. Do đó, cần xác định PVC là chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất trên. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên trả lại cho PVC sử dụng 3.400m2 là phù hợp, căn cứ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Dự kiến, phiên tòa sẽ kết thúc vào chiều mai, 29-9.