Đề nghị giữ nguyên quy định về Hội đồng thẩm định dự án văn bản quy phạm pháp luật

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về Hội đồng thẩm định đối với các dự án, các đề xuất do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bởi thời gian qua, Hội đồng thẩm định đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị không bỏ Hội đồng thẩm định đối với các dự án, các đề xuất do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị không bỏ Hội đồng thẩm định đối với các dự án, các đề xuất do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL tại Phiên họp thứ 44 sáng 26/4, chủ trì thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi 19 điều, trong đó là sửa đổi, bổ sung nội dung là 13 điều, 6 điều sửa kỹ thuật trên tổng số 72 điều so với Luật hiện hành. Do đó, cá nhân ông Định đề nghị không sửa về mặt kỹ thuật nếu các điều khoản vẫn bảo đảm thực thi được. Bởi theo ông, Điều 61 Luật hiện hành đã cho phép Chính phủ ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn áp dụng thì khi cần, Chính phủ ban hành phương thức áp dụng văn bản hành chính, công văn là được, không phải sửa Luật.

Về thẩm quyền ban hành văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã, trong đó có bổ sung nội dung là trao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh, cấp xã, UBND cấp xã được ban hành văn bản để phân cấp. Ý kiến thẩm tra là đề nghị không không bổ sung phân cấp của HĐND tỉnh, HĐND và UBND cấp xã vì không thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và lần này Chính phủ cũng trình Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung một số điều thì không trình nội dung này. Ông Định đề nghị 2 dự luật phải phù hợp với nhau vì trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ có phân cấp trong hệ thống hành chính, không phân cấp cho HĐND và UBND cấp xã cũng không còn phân cấp cho cấp nào được nữa vì đây là cấp cơ sở.

Về đề nghị bỏ Hội đồng thẩm định đối với các dự án, các đề xuất do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo trong trường hợp cần thiết, theo ông Định, nội dung này mang tính kỹ thuật, trong khi trên thực tế, Bộ Tư pháp làm công việc này rất tốt nên cũng không cần thiết phải sửa…

Từ đó, ông đề nghị, cần tập trung sửa chủ yếu các quy định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để thực hiện kiểm tra quyền lực một cách liên tục.

Quang cảnh phiên họp sáng 26/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Quang cảnh phiên họp sáng 26/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Trên cơ sở định hướng thảo luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga cũng đề nghị chỉ tập trung sửa những quy định về tổ chức bộ máy, không nên sửa rộng ra với cả những vấn đề không liên quan đến tổ chức bộ máy.

Về thẩm quyền ban hành văn bản của cấp tỉnh, cấp xã, về thẩm quyền ban hành văn bản phân cấp thì Ủy ban thẩm tra không đồng ý do mâu thuẫn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bà Nga đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.

Về bỏ Hội đồng thẩm định đối với các dự án, các đề xuất do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thì bà Nga nhận thấy, thời gian qua, Hội đồng thẩm định đã phát huy hiệu quả rất tốt. Bà đề nghị giữ nguyên quy định về Hội đồng thẩm định.

Điểm thứ tư là dự thảo Luật đề xuất sửa khoản 2, Điều 57 về hiệu lực văn bản quy định chi tiết thì bà Nga đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành.

Về quy định chuyển tiếp, bà Nga cơ bản đồng ý với cách thể hiện như ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú dự phiên họp. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú dự phiên họp. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, những nội dung cần hướng dẫn sẽ được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Riêng về quy định chuyển tiếp, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu, chỉnh lý, nhất là đối với những trường hợp đương nhiên; đồng thời mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ với việc sẽ có những sửa đổi kỹ thuật rất cần thiết để thực thi Luật được thuận lợi.

Nhưng tinh thần được Bộ trưởng Ninh nhấn mạnh là Cơ quan soạn thảo sẽ thể hiện theo hướng là chỉ sửa những nội dung bắt buộc phải sửa để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời sửa một số về kỹ thuật liên quan đến những điều khoản này.

Tuấn Kiệt

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-nghi-giu-nguyen-quy-dinh-ve-hoi-dong-tham-dinh-du-an-van-ban-quy-pham-phap-luat-post546713.html