Đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS
Để hợp tác trong lĩnh vực lao động xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS trong thời gian tới.
Ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tiếp tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng ông Choi Young Sam nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam. Bộ trưởng tin tưởng, trên cương vị mới của mình, Đại sứ sẽ góp phần quan trọng và hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp.
Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, từ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chính trị, văn hóa cho đến hợp tác lao động, việc làm, an sinh xã hội và cảm ơn sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, cũng như các cơ quan liên quan của Hàn Quốc trong thời gian qua.
Về phía Hàn Quốc, ông Choi Young Sam gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón ông và đoàn đại biểu. Tân Đại sứ Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, với mối quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã duy trì trong nhiều năm qua, thời gian tới sẽ còn tốt đẹp hơn nữa.
Trên cương vị Đại sứ Hàn Quốc, ông Choi Young Sam mong muốn trao đổi cùng Bộ trưởng một số nội dung quan trọng mà phía Hàn Quốc đang quan tâm.
Theo ông Choi Young Sam, hiện có hơn 9.000 lao động Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong đó chủ yếu làm việc tại các vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đại sứ Hàn Quốc mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục cân nhắc tới việc nới lỏng hơn nữa yêu cầu về điều kiện kinh nghiệm làm việc khi cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài.
Liên quan đến Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế, Phúc lợi Hàn Quốc ký kết tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 12/2021, phía Hàn Quốc đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, mong muốn hai bên sẽ sớm thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để Thỏa thuận được thống nhất, đi đến ký kết trong năm 2023 và có hiệu lực.
Về triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia tại Việt Nam (QS-Net) do phía Hàn Quốc hỗ trợ, ông Choi Young Sam nhấn mạnh, Hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia sẽ tạo sự đột phá mới trong việc nâng tầm kỹ năng người lao động, chuẩn hóa chất lượng lao động thời kỳ mới, góp phần quan trọng cho mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam và mong muốn rằng dự án sớm được triển khai thực hiện.
Liên quan đến tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép cho lao động ngoài nước của Hàn Quốc (chương trình EPS), theo ông Choi Young Sam, những năm gần đây, nước này ngày càng thiếu hụt nhân lực. Hàn Quốc đánh giá cao tay nghề, cũng như phẩm chất của người lao động Việt Nam. Do đó, trong tương lai, mong muốn mở rộng hơn nữa việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, không chỉ trong những ngành nghề truyền thống như sản xuất, xây dựng… mà còn tiếp nhận lao động trong những ngành/nghề mũi nhọn như công nghệ thông tin.
Cảm ơn những nội dung trao đổi của ngài Đại sứ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội giữa Việt Nam-Hàn Quốc thời gian qua đã duy trì tốt nhưng so với tiềm năng của hai bên chưa đạt được như mong muốn.
Việt Nam đã đưa được hơn 127.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Dự kiến cả năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu từ 11.000-12.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Để hợp tác trong lĩnh vực lao động xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS trong thời gian tới. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề tiếp nhận mới mà phía bạn đang có nhu cầu như lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin...
“Việt Nam đã đưa được hơn 127.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Dự kiến cả năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu từ 11.000-12.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Chương trình EPS đã được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, công bằng, khách quan, minh bạch mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam cũng như góp phần đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác lao động giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trao đổi về Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về kết quả trao đổi, thống nhất với phía cơ quan thực hiện của Hàn Quốc về nội dung dự thảo cuối cùng.
Theo đó, bản dự thảo Thỏa thuận hành chính này đã được các Bộ Y tế và Phúc lợi và Bộ Ngoại giao của Hàn Quốc xem xét, thống nhất. Trên cơ sở công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và gửi phản hồi của Việt Nam cho Hàn Quốc. “Tháng 12 tới sẽ giao một Thứ trưởng làm trưởng đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc để ký kết Thỏa thuận hành chính với phía Hàn Quốc” - Bộ trưởng cho biết.
Với lao động Hàn Quốc sang làm việc tại Việt Nam, Việt Nam trân trọng và tạo điều kiện tối đa cho người lao động, chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2020/NĐ-CP dựa trên tổng thể bao quát chung, trong quá trình xử lý sẽ căn cứ từng trường hợp, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho chuyên gia Hàn Quốc tới Việt Nam làm việc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS trong thời gian tới. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề tiếp nhận mới mà phía bạn đang có nhu cầu như lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn phía Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, dẫn chứng xây dựng Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động Việt Nam do Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc tài trợ góp phần không nhỏ nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Hai bên đang đàm phán dự án “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý trình độ kỹ năng nghề quốc gia”. Phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tích cực trao đổi, phối hợp thực hiện các nội dung liên quan về hoạt động phát sinh để triển khai theo quy định
Trong năm 2022, hơn 8.900 lao động nước ta đã sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng mong muốn phía Đại sứ Hàn Quốc phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước thiết lập mạng lưới kết nối cung cầu việc làm cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương để người lao động phát triển sự nghiệp, kinh tế gia đình của mình bền vững, góp phần giảm tỷ lệ ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng. Cuối cùng, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Ghi nhận những vấn đề mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề cập, trong đó có đề xuất tăng chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS, ông Choi Young Sam cho biết sẽ đề cập với Chính phủ Hàn Quốc và hy vọng đề xuất này sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới.
"Thực tế, năm 2023, chúng tôi cũng đã tăng hạn ngạch của chương trình EPS. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở rộng thêm ngành nghề để tạo công ăn việc làm cho lao động nước ngoài. Về chương trình lao động thời vụ, phía Hàn Quốc đang nỗ lực kết nối với các địa phương, thời gian tới chương trình này sẽ được mở rộng hơn nữa" - Đại sứ Choi Young Sam chia sẻ.
Ông Choi Young Sam cũng mong muốn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như cá nhân Bộ trưởng tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ Hàn Quốc để đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, nhất là đối với lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội khác trong thời gian tới.
Trước đó, trong năm 2022, hơn 8.900 lao động nước ta đã sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.