Đề nghị hỗ trợ mở rộng vùng sản xuất thanh long và cây dược liệu tại Chí Linh

Một số hộ dân ở Chí Linh đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ để mở rộng vùng trồng thanh long, cây dược liệu nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cùng các thành viên trong đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thăm mô hình trồng thanh long tại phường Bến Tắm (Chí Linh)

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cùng các thành viên trong đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thăm mô hình trồng thanh long tại phường Bến Tắm (Chí Linh)

Sáng 14/10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tình hình thực hiện một số đề tài ứng dụng giải pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long và đề tài xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO trên địa bàn Chí Linh.

Nội dung này thực hiện theo kế hoạch giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả nghiên cứu và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tham gia đoàn giám sát.

Mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long tại phường Bến Tắm

Mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long tại phường Bến Tắm

Đề tài Ứng dụng giải pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long do UBND TP Chí Linh thực hiện. Mục tiêu đề tài ứng dụng các giải pháp, hoàn thiện quy trình kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long, đạt hiệu quả hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất cho cây thanh long.

Đề tài đã xây dựng được 2 mô hình với tổng diện tích 2 ha ứng dụng giải pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây thanh long tại xã Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng như sử dụng phân bón, thuốc hóa học hợp lý, sử dụng bẫy bả phòng trừ ruồi hại quả thanh long, sử dụng một số chế phẩm sinh học, thuốc hóa học phòng trừ bệnh đốm nâu, bệnh thán thư hại thanh long.

Trên địa bàn TP Chí Linh, cây thanh long trồng rải rác ở 19 xã, phường với diện tích 186 ha. Các xã, phường có diện tích trồng lớn bao gồm: Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám, Cổ Thành, Chí Minh, Lê Lợi, Văn Đức… Trong đó diện tích trồng nhiều nhất là phường Bến Tắm, Cổ Thành và Hoàng Hoa Thám.

Mô hình sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO tại xã Hoàng Hoa Thám

Mô hình sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO tại xã Hoàng Hoa Thám

Đề tài xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội. Qua 2 năm thực hiện đề tài (từ năm 2021-2022), đề tài đã thực hiện các phương pháp nghiên cứu khoa học hoàn thành các mục tiêu, nội dung so với hợp đồng đã ký.

Trung tâm đã định danh loài và đánh giá chất lượng dược liệu của 5 mẫu cây kim ngân hoa trồng tại TP Chí Linh. Xây dựng thành công mô hình nhân giống và sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO trên địa bàn Hải Dương. Hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương; liên kết tiêu thụ được sản phẩm dược liệu kim ngân hoa của đề tài.

Cây kim ngân hoa tại Hải Dương sinh trưởng và phát triển tốt ở thời vụ từ tháng 1-tháng 9 hằng năm; năng suất dược liệu hoa kim ngân khô đạt trung bình 0,8 tấn/ha, năng suất dược liệu cuộng kim ngân khô đạt trung bình trên 7,5 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình dao động từ 100 - 202 triệu đồng/ha/năm.

Một số hộ trồng thanh long, cây dược liệu kim ngân hoa đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển để mở rộng vùng sản xuất cây thanh long, cây dược liệu kim ngân nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa và có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn liền với xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Hỗ trợ người sản xuất thanh long, kim ngân, bảo đảm cung cấp nguồn giống tốt và đầu ra của sản phẩm.

HN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-nghi-ho-tro-mo-rong-vung-san-xuat-thanh-long-va-cay-duoc-lieu-tai-chi-linh-395623.html