Đề nghị không cho chuyển nhượng vốn góp trong hợp tác xã
Đại biểu Quốc hội đề nghị không cho phép chuyển nhượng vốn góp trong hợp tác xã, vì có thể dẫn đến nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức kinh tế hợp tác thâu tóm để trở thành thành viên chính thức nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác: Kỳ vọng phát triển kinh tế tập thể lớn mạnh Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã Tuyên truyền để xóa bỏ hoài nghi về hợp tác xã kiểu mới
Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về chính sách hỗ trợ
Sáng 10/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã, song một số ý kiến đồng ý đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như tờ trình đã nêu.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), đặt tên gọi của dự thảo luật là Luật Các tổ chức kinh tế tập thể sẽ phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các cụm từ trong dự thảo Luật Kinh tế hợp tác nên sửa thành kinh tế tập thể, mặt khác gọi Luật Các tổ chức kinh tế tập thể thì phạm vi nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng; phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế.
Tuy nhiên đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bởi tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) đề nghị rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần tạo điều kiện về đất đai và các hình thức khác để hợp tác xã phát triển.
Theo đại biểu Khang Thị Mào, thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã hiệu quả chưa cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhiều hợp tác xã sản xuất tự phát quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường. Tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức thấp do nhiều địa phương khó khăn trong bố trí nguồn lực, điều kiện và thủ tục hỗ trợ khá phức tạp, chưa tạo thuận tiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, chưa bao phủ vốn đến các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế.
Trong các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với hợp tác xã. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật.
Đồng tình về vai trò quan trọng của các chính sách hỗ trợ, song đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị cần quy định chặt chẽ nhằm hạn chế hỗ trợ theo kiểu xin cho và không loại trừ tình trạng trông chờ, ỷ lại, trục lợi chính sách.
Cho công ty tư nhân góp vốn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, mục tiêu của hợp tác xã
Đối với quy định về thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) đề nghị xem xét, nghiên cứu lại việc mở rộng đối tượng thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đối với thành viên liên kết có góp vốn.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu cho rằng thành viên liên kết có góp vốn nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động mà chỉ nhằm mục đích chia lợi nhuận là không đúng với bản chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, nguyên tắc hợp tác xã là hoạt động nhằm mục đích phục vụ nhu cầu chung về kinh tế - xã hội, văn hóa, khác với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu vì mục đích lợi nhuận.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM)
Theo dự thảo Luật, mục đích của việc mở rộng đối tượng thành viên liên kết nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế hợp tác huy động thêm vốn, tiềm lực kinh tế để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, đối với những cá nhân và tổ chức không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác thì có thể cho tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn theo một hợp đồng kinh tế hay hợp đồng hợp tác kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.
Nguyên tắc hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác là đối nhân không đối vốn. Do đó, khi các công ty tư nhân tham gia góp vốn vào tổ chức kinh tế hợp tác và nắm giữ tỷ lệ vốn góp lớn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu phục vụ thành viên, phục vụ cộng đồng xã hội và hỗ trợ phong trào hợp tác xã, vốn là bản chất của các tổ chức kinh tế hợp tác...
Chuyển nhượng vốn sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã của tổ chức kinh tế hợp tác
Đối với quy định về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cho rằng, không nên cho phép việc chuyển nhượng vốn vì sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm cho tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động tương tự như loại hình công ty cổ phần. Đồng thời, có thể dẫn đến nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức kinh tế hợp tác từng bước thâu tóm qua việc nhận chuyển nhượng vốn góp để trở thành thành viên chính thức nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chiếm hữu phần vốn góp, vốn quỹ, tài sản tích lũy của các tổ chức kinh tế hợp tác. Mặt khác, việc này sẽ dẫn đến thay đổi địa vị pháp lý của các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân gây ra nhiều xóa trộn trong tổ chức, đại biểu phân tích.