Đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các 'chuyên gia'

Chiều 25/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Làm rõ địa vị pháp lý Quỹ phát triển nhà ở quốc gia

Trình bày tóm tắt tờ trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay; tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội có tác động kép: giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", đồng thời cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết bổ sung 3 nội dung, chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị, do đó đề nghị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về các nội dung này; nghiên cứu bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị là “Tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”; đồng thời, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để thực hiện yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung công bố thông tin dự án của Sở Xây dựng với nội dung hồ sơ đăng ký của nhà đầu tư và việc thẩm định chủ trương đầu tư, lựa chọn thứ tự ưu tiên giao chủ đầu tư để chỉnh lý quy định bảo đảm minh bạch, khả thi. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư bảo đảm cụ thể, khách quan, công bằng, chặt chẽ hơn; đề nghị bỏ quy định nhà đầu tư đề xuất và được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là căn cứ điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để bảo đảm chặt chẽ, tránh nguy cơ gây ra sơ hở, tiêu cực...

Về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với việc cắt giảm thủ tục đầu tư xây dựng; đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ các giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội; đồng thời đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; trong khi đối tượng chuyên gia đã có nhiều ưu đãi theo các chính sách mới về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cần bổ sung cơ chế giám sát, kiểm tra

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, cần bổ sung cơ chế giám sát, kiểm tra để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức thực hiện.

Đa số ý kiến tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ chặt chẽ, không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Đề nghị cần xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết ngắn gọn, cô đọng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, chỉ cần quy định thứ tự ưu tiên giao cho chủ đầu tư, còn ưu tiên thế nào thì giao Chính phủ quy định chi tiết…

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, bổ sung những nội dung đánh giá tác động cụ thể hơn đối với các chính sách đặc thù mà được Quốc hội cho thí điểm, đặc biệt là nguồn lực tài chính, năng lực, điều kiện, khả năng thực hiện chính sách, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết; đồng thời giao cho Chính phủ có cơ chế, giải pháp phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, soạn thảo lại Nghị quyết theo hướng quy định đúng các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt điều hành.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/de-nghi-khong-mo-rong-doi-tuong-duoc-bo-tri-nha-o-xa-hoi-la-cac-chuyen-gia-20250425191741419.htm