Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm trong việc chậm chi trả hỗ trợ cho hơn 400.000 người lao động
Chiều 11/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau ngày 31/12/2021- thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động, vẫn còn hơn 414 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn quy định nhưng chưa được chi trả với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng.
Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội:“Đây là những trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ vào những ngày cuối cùng của thời hạn theo quy định, có diễn biến trong quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp phức tạp; thông tin về quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp, thân nhân lao động còn chưa chính xác. Do đó chưa xác định đúng người, đúng mức hưởng và chỉ hoàn thành sau ngày 31/12 nên chưa chi trả cho những trường hợp này. Cá biệt có tình trạng 1 người có 2-3 sổ do trước đây làm thủ công. Khi áp dụng công nghệ thông tin mới phát hiện ra những trường hợp này, thậm chí đứng tên người này, người khác. Do đó nhận lỗi ở điểm này.”
Do đó Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể. Cho phép tiếp tục chỉ trả hỗ trợ với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng cho hơn 414 nghìn người lao động đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ theo quy định. Thời hạn thực hiện chỉ trả là 01 tháng, kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ.
Trình bày báo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, việc chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ khi đã hết thời hạn làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm họ khó khăn, đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này.
Bà NGUYỄN THÚY ANH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:“Trong bối cảnh cấp bách, với tính chất và ý nghĩa của Nghị quyết số 03, việc xử lý của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với tồn đọng chưa giải quyết chế độ đối với hơn 400 nghìn người lao động là rất chậm, không đúng với tinh thần làm việc của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi không kịp thời báo cáo và xử lý vấn đề phát sinh.”
Ủy ban Xã hội nhất trí về đề nghị cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ như đề xuất tại tờ trình của Chính phủ; cho rằng, đây là kết hợp giữa quyền lợi đóng - hưởng của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19, sự vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách của các cơ quan có liên quan, không phải lỗi từ phía người lao động.
Thực hiện : Diệu Huyền Như Thảo Quang Sỹ Anh Đức