Đề nghị làm rõ quy định lãnh đạo bị tín nhiệm thấp, trong 10 ngày phải từ chức

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là trong 10 ngày, người được lấy phiếu có mức 'tín nhiệm thấp' xin từ chức.

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đánh giá, các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96 và Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo nghị quyết quy định trong 10 ngày, người được lấy phiếu có mức "tín nhiệm thấp” xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức “tín nhiệm thấp”.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo nghị quyết trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Quốc hội xem xét theo quy trình 1 kỳ họp để ban hành.

Tờ trình phải giải trình đầy đủ, thuyết phục về những nội dung mới, các quy định mở rộng, từ tên gọi của dự thảo nghị quyết, khái niệm cho đến thiết kế bố cục và nội dung cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến trong phiên họp hôm nay, nhất là ý kiến làm rõ phạm vi, đối tượng, hệ quả của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ và tính khả thi về thời hạn xin từ chức, miễn nhiệm với người có tín nhiệm thấp, thiết kế các phương án để báo cáo Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 22/5 tới đây.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 6 và tháng 10 năm nay, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Đây sẽ là lần thứ 4, Quốc hội thực hiện quyền giám sát qua việc bỏ phiếu tín nhiệm. Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV và tháng 10/2018, các ĐBQH đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh; năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người, năm 2014 là 50 người.

Quốc hội bầu các chức danh:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước

- Thủ tướng Chính phủ

- Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội

- Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao

Quốc hội phê chuẩn các chức danh:

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ

- Thẩm phán TAND tối cao

- Thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh

- Thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-nghi-lam-ro-quy-dinh-lanh-dao-bi-tin-nhiem-thap-trong-10-ngay-phai-tu-chuc-2141896.html