Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân: Bảo đảm đời sống người dân khi có sự cố, thiên tai

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan như nắng nóng, mưa lớn, dông lốc, lũ lụt..., thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó.

Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng đến hoạt động cứu trợ, bảo đảm đời sống người dân khi có sự cố, thiên tai nghiêm trọng xảy ra. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới xung quanh vấn đề này.

Huyện Ứng Hòa diễn tập phương án sơ tán người dân vùng lũ lụt đến nơi an toàn.

Huyện Ứng Hòa diễn tập phương án sơ tán người dân vùng lũ lụt đến nơi an toàn.

- Ông có thể chia sẻ về nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trong công tác cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra?

- Thực hiện yêu cầu của UBND thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống người dân khi có sự cố, thiên tai. Trên cơ sở nhận định xu thế thời tiết, thủy văn khu vực thành phố Hà Nội của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Sở dự thảo phương án và lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, trình UBND thành phố phê duyệt và ban hành Phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn.

Trong phương án được thành phố ban hành đã xác định, khi xảy ra các thảm họa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nơi xảy ra thảm họa triển khai công tác cứu trợ và bảo đảm đời sống người dân...

- Vậy chúng ta có phương án cụ thể như thế nào để chủ động thực hiện tốt công tác cứu trợ, bảo đảm đời sống người dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra?

- Ở cấp thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chịu trách nhiệm thường trực công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp tình hình thiệt hại, thống kê những địa bàn bị cô lập, nhà bị sập, nhà bị hư hỏng nặng, người chết, người bị thương…

Cùng với đó, Sở thực hiện nhiệm vụ là đơn vị thường trực công tác cứu trợ và bảo đảm đời sống người dân khi có sự cố, thiên tai, đề xuất hỗ trợ người dân ở vùng bị thiệt hại; cập nhật báo cáo UBND thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu tổ chức cứu trợ kịp thời, bảo đảm đời sống nhân dân nơi xảy ra sự cố, thiên tai.

- Với cấp huyện, việc chủ động xây dựng phương án cứu trợ theo các tình huống bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

- Cấp huyện phải chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước sạch, thuốc y tế thông thường… trong 7 ngày, kinh phí lấy từ nguồn kinh phí dự phòng của các quận, huyện, thị xã và các nguồn huy động hợp pháp khác. Cùng với việc tổ chức các hoạt động diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, cần thực hiện chế độ kiểm tra thường kỳ, đột xuất công tác bảo đảm đời sống nhân dân. Đặc biệt, khi có mưa, bão, phải thực hiện ứng trực, theo dõi tổng hợp tình hình thiệt hại, thực hiện chế độ báo cáo nhanh trước 16h hằng ngày và báo cáo tổng hợp sau thiên tai về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Việc chủ động phương án cứu trợ, bảo đảm đời sống người dân khi có sự cố, thiên tai có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định đời sống dân sinh. Để bảo đảm tính khoa học và hiệu quả, quy trình tổ chức triển khai cứu trợ khẩn cấp được thực hiện ra sao?

- Trong phương án cứu trợ được thành phố Hà Nội ban hành, quy trình từ công tác giao nhận hàng cứu trợ khẩn cấp, cho đến điều động cá nhân, tổ chức tham gia giúp người dân khi có sự cố, thiên tai đều được nêu rõ ràng, bao gồm cả việc xác định thẩm quyền điều động, công bố họ tên, chức danh, số điện thoại của từng cá nhân được giao nhiệm vụ. Trong đó, thẩm quyền điều động hàng cứu trợ khẩn cấp thuộc về UBND thành phố, thường trực cứu trợ là lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chuẩn bị lực lượng tiếp nhận ủng hộ, hỗ trợ tiền cứu trợ khi thành phố thực hiện cứu trợ khẩn cấp, với sự tham gia điều hành lực lượng của các đồng chí Phó Chủ tịch. Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội đều được phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, với vai trò điều hành lực lượng là người đứng đầu các đơn vị này…

Nhiều tình huống đã được đặt ra, xác định địa bàn bị ảnh hưởng, địa chỉ, số điện thoại thường trực tiếp nhận thông tin, dự kiến số lượng cần cứu trợ khẩn cấp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-giam-doc-so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-ha-noi-nguyen-hong-dan-bao-dam-doi-song-nguoi-dan-khi-co-su-co-thien-tai-671433.html