Đề nghị luật hóa để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Góp ý vào Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

Cần đánh giá, tổng kết, xác định phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Bày tỏ đồng thuận với dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Huế Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sĩ gia đình với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam.

Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế.

Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân.

Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế để không những chỉ chăm sóc, điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý và xã hội. Bác sĩ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật giúp giảm tải ở bệnh viện.

Song thực tế cho thấy, mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình. Đồng thời chưa xây dựng được được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình.

Để hoàn thiện mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế.

Đồng thời cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bện, ngoại trú. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong mô hình bác sĩ gia đình

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai bày tỏ tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Với định hướng lấy người bệnh làm trung tâm, đại biểu tin rằng dự thảo Luật được thông qua sẽ góp phần thay đổi hệ thống y tế cũng như tạo ra những giá trị bền vững cho ngành y tế.

Quan tâm đến nội dung mô hình bác sỹ gia đình, đại biểu Lê Thu Hà cho biết, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên chưa được quan tâm, chưa có nhiều quy định cụ thể để phát triển tại Việt Nam.

Theo đại biểu, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như: Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn nhiều bất cập. Không có cơ chế tài chính đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y học gia đình để duy trì, phát triển. Các cơ sở y học gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu, nên chưa khuyến khích được sự tham gia…

Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tạo điều kiện mô hình bác sĩ gia đình phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, giảm tải gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung, đại biểu đề nghị luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

Theo đại biểu dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đổi với một số quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo thực hiện cho hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, thay đổi cách tiếp cận về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, sửa đổi điều kiện cấp giấy phép hành nghề, đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, quy định tài chính trong khám, chữa bệnh, ngân sách nhà nước công tác khám, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng bác sĩ gia đình và các nguyên lý y học gia đình cho các nội dung sửa đổi này.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về nội dung giáo dục sức khỏe. Theo đó, giáo dục sức khỏe cần phổ cập trong xã hội trở thành môn học bắt buộc trong hệ thống trường học, ngay từ cấp tiểu học để trang bị cho công dân ý kiến thức y học cần thiết để tự chăm sóc bản thân và hỗ trợ người xung quanh trong trường hợp cần thiết.

Ngọc Trang - Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/de-nghi-luat-hoa-de-phat-trien-nhan-rong-mo-hinh-phong-kham-bac-si-gia-dinh-xgw050jng.html