Đề nghị nâng thang bậc 1 giá điện lên 100 số

Đại biểu Quốc hội đề xuất nâng bậc 1 trong biểu giá bán lẻ điện lên 100 kWh để phù hợp với nhu cầu của người dân, đồng thời miễn thuế VAT đối với tiền điện.

Sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) ghi nhận việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, không còn xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng cách tính giá điện theo bậc thang như hiện nay là "chưa phù hợp với nhu cầu người dân", khi bậc 1 chỉ dừng ở mức 50 kWh. Chưa kể, người dân tiêu thụ điện, trả tiền, rồi lại phải chịu thuế VAT 10%, điều này cũng chưa hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Gia Hân/ Báo Thanh niên.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Gia Hân/ Báo Thanh niên.

Ông Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải về thực tế trên, đồng thời đề xuất miễn thuế VAT đối với tiền điện và nâng bậc 1 lên 100 kWh.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến được áp dụng tại nhiều quốc gia, mục đích nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm, đồng thời hạn chế tác động ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động sản xuất điện gây ra.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân có 6 bậc. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan sửa đổi quy định này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Gia Hân/ Báo Thanh niên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Gia Hân/ Báo Thanh niên.

Ông Diên cho biết trong dự thảo vừa được trình Chính phủ sáng 21/8, cơ cấu biểu giá điện giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó bậc 1 nâng từ 0 - 50 kWh lên 0 - 100 kWh.

Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh khung giá giữa các đối tượng sử dụng điện là sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ, sinh hoạt, nhằm đảm bảo không bù chéo.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng.

"Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới đây", đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Trả lời đại biểu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.

"Về giải pháp lâu dài, căn cơ cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Vấn đề quản lý di tích quốc gia Cột cờ Hà Nội cũng được nêu tại diễn đàn chất vấn. Ông Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu: “Về vấn đề này, Bộ trưởng đã trả lời bằng văn bản. Bộ trưởng hứa sẽ hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan để tôn tạo, chỉnh trang khu vực này bảo đảm tôn nghiêm, trang trọng và mỹ quan".

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Văn Phước về di tích Cột cờ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết di tích nằm trong khuôn viên Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Đại biểu Dương Văn Phước nêu vấn đề chất vấn tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Dương Văn Phước nêu vấn đề chất vấn tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Quochoi.vn

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các di tích, di sản sau khi được cấp có thẩm quyền vinh danh, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, cụ thể là chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Như vậy, thẩm quyền chính (quản lý, bảo vệ) thuộc UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Cột cờ Hà Nội có yếu tố lịch sử, có sự giao thoa (quản lý) với Bảo tàng Quân sự (Bộ Quốc phòng).

Hà Nội đang có phương án tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo di tích này, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn trả lời về ý kiến thẩm định và đề nghị thành phố sớm giải tỏa mặt bằng thông thoáng. Hy vọng với cách làm của Hà Nội và sớm thống nhất với Bộ Quốc phòng, di tích này sẽ được quản lý tốt hơn. Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để di tích này phát huy hiệu quả nhất.

Trong chiều 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành thuộc nhóm vấn đề tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-nghi-nang-thang-bac-1-gia-dien-len-100-so-260244.htm