Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Chiều 10/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Hagiuda Koichi, Hạ Nghị sĩ Quốc hội, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP đảng cầm quyền tại Nhật Bản), đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của ông Hagiuda Koichi sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai đảng cầm quyền, hai Chính phủ. Thủ tướng đánh giá cao vai trò của ông Hagiuda Koichi trong việc hoạch định các chính sách mạnh mẽ, hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản trong thời gian gần đây, giúp Nhật Bản phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài và mong muốn ngài Hagiuda Koichi tiếp tục quan tâm, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, phù hợp với nguyện vọng của hai đất nước, hai dân tộc và nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ mong Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, độc lập, tự chủ về kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng; với mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đặc biệt là mong Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam, tập trung vào phát triển hạ tầng và đào tạo nhân lực, hai trong ba đột phá chiến lược mà Việt Nam đang thực hiện.
Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác địa phương, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; xem xét mở cửa thị trường đối với hoa quả của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam học tập, làm việc tại Nhật Bản; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ; tăng cường hợp tác trao đổi học sinh, sinh viên hai nước...
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế; ủng hộ và đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình, sáng kiến mà Nhật Bản đề ra liên quan chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng chiến lược, nâng cao chất lượng nhân lực để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Về phía mình, ông Hagiuda Koichi bày tỏ đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và khẳng định Nhật Bản mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới.
Nhật Bản sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam; thực hiện các cam kết hỗ trợ ODA cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có việc mở rộng tiếp nhận thực tập sinh.
Đồng thời, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách của LDP cho biết, quan hệ Nhật Bản - ASEAN đang có bước phát triển tốt đẹp, mong muốn Việt Nam tham gia và đóng vai trò cao hơn nữa trong quan hệ Nhật Bản - ASEAN, trước mắt đề nghị Việt Nam ủng hộ, tham gia tích cực Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật Bản - ASEAN sắp tới.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng thảo luận về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong đó, Nhật Bản ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông; duy trì tự do, an toàn hàng hải - hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới một COC hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Sau 50 năm, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về ODA, thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư, du lịch, thứ tư về thương mại.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021. 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8,4 tỷ USD, xuất siêu 0,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ nhập siêu hơn 0,5 tỷ USD.
Tính đến tháng 5/2023, Nhật Bản có tổng cộng 5.091 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (tương đương 27,5 tỷ USD).