Đề nghị phân bổ 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng đầu tư ngân sách cho 50 dự án

Chính phủ vừa trình Quốc hội về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 với 63.725 tỷ đồng cho 50 dự án thuộc 5 lĩnh vực.

Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay, 16/1. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay, 16/1. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sáng 16/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.

Phân bổ 63.725 tỷ đồng cho 5 lĩnh vực

Theo đó, về việc phân bổ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, phương án phân bổ đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị ngày 18/8/2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/9/2023. Trong tổng số 63.725 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng (1.500 tỷ đồng), An ninh (1.500 tỷ đồng), Quản lý Nhà nước (2.490 tỷ đồng), Khoa học công nghệ (500 tỷ đồng), Giao thông (57.735 tỷ đồng), bố trí cho 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó có 9 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, lĩnh vực Quốc phòng, bố trí cho Bộ Quốc phòng để đầu tư 3 dự án nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản, đầu tư công trình cho các đơn vị bị ảnh hưởng khi bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3.

Lĩnh vực An ninh và trật tự, An toàn xã hội, bố trí cho Bộ Công an thực hiện 7 dự án cấp thiết thực hiện Nghị quyết số 12/NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, bố trí cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia.

Lĩnh vực Quản lý Nhà nước, bố trí cho Văn phòng Trung ương Đảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án cải tạo, sửa chữa Nhà làm việc, Nhà khách; Bộ Tài chính 1.490 tỷ đồng để đầu tư 2 dự án, gồm dự án xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) và dự án Mua sắm máy soi hành lý và máy soi container di động cho hải quan nhằm hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lĩnh vực Giao thông bố trí cho 32 dự án để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, các dự án có tính liên vùng, các dự án kết nối các khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các dự án kết nối nội vùng để thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả kinh tế; phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến nay, trong tổng số 50 nhiệm vụ, dự án nêu trên có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn là gần 33.157 tỷ đồng. 17 dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm

Trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay đa số ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất việc trình Quốc hội cho phép sử dụng với 63.725 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nhất trí với kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ giao vốn gần 33.157 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xác định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của một số dự án còn thiếu tính chắc chắn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu trình Quốc hội; đồng thời, giải trình rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đảm bảo trách nhiệm bố trí phần vốn Ngân sách Trung ương còn thiếu của các dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với số vốn còn lại hơn 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí trình Quốc hội về chủ trương giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Trường hợp cấp bách, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về danh mục các dự án, đa số ý kiến đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về việc rà soát, đảm bảo thủ tục đầu tư, đảm bảo bố trí nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong số các dự án trên, có dự án có tổng mức vốn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/de-nghi-phan-bo-63725-ty-dong-nguon-du-phong-dau-tu-ngan-sach-cho-50-du-an-post921383.vnp