Đề nghị sớm thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn hơn cho người dân
Bộ Công an thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) và Luật Đường bộ ra thảo luận và thông qua để đảm bảo cao nhất về an toàn, tính mạng, tài sản cho người dân khi tham gia giao thông.
“Bộ Công an thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) và Luật Đường bộ vào chương trình của Quốc hội để thảo luận và thông qua để đảm bảo cao nhất về an toàn, tính mạng, tài sản cho người dân khi tham gia giao thông”- đó là kiến nghị cũng là tâm tư, nguyện vọng của Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/4.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Tô Lâm đã trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật TTATGT đường bộ, tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu nêu.
Ban hành Luật TTATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bổ sung những thiếu hụt về chính sách an toàn toàn giao thông “Tình hình TTATGT đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nêu số liệu thống kê từ năm 2009 đến tháng 1/2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số người vụ, số chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội…
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, chống lại lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Ùn tắc giao thông phức tạp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, xã hội…
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 hiện nay đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
“Thực tiễn cho thấy, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, ATGT thuộc lĩnh vực TTATXH; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và tuân theo quy luật thị trường” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, quá trình thực hiện Luật GTĐB thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
“Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
6 Chính sách lớn trong Luật TTATGT đường bộ
Trong quá trình xây dựng luật, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và nhân dân; Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an có báo cáo, tiếp thu, giải trình nghiêm túc và đề xuất phương hướng tiếp theo đối với dự án luật. Theo đó, đa số ý kiến tham gia đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ nhằm khắc phục triệt để tồn tại, bất cập của Luật GTĐB năm 2008.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, luật này điều chỉnh 6 chính sách, gồm: Quy tắc GTĐB; Điều kiện phương tiện tham gia GTĐB, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; Chỉ huy, điều khiển GTĐB; Giải quyết tai nạn GTĐB; Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn GTĐB; Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB.
Phạm vi điều chỉnh của Luật TTATGT đường bộ gồm các nội dung về bảo đảm TTAT cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 61 điều.
“Tình hình TNGT thời gian rất bức xúc, trung bình mỗi ngày có 17 người chết vì TNGT, trong khi đa số các nạn nhân đều trong độ tuổi lao động. Có những gia đình bố mẹ chết, để lại những đứa trẻ rất đáng thương tâm. Ngoài ra, ùn tắc giao thông ảnh hưởng rất lớn đến môi trường ổn định để phát triển kinh tế của đất nước. Chúng ta an toàn trên tất cả các lĩnh vực nhưng mất an toàn về giao thông sẽ ảnh hưởng rất lớn. Tình hình mất an toàn trật tự xã hội cũng đều diễn ra trên tuyến giao thông như: biểu tình, cướp của, giết người, vận chuyển ma túy, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…Vì vậy, đảm bảo TTATXH phải đi đôi với đảm bảo ATGT, nếu không đảm bảo được ATGT thì cũng không đảm bảo được TTATXH” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, việc xây dựng 2 luật, tách bạch giữa lĩnh vực đảm bảo TTATGT đường bộ và xây dựng hạ tầng đường bộ là vô cùng cần thiết, phù hợp với thực tiễn; đề nghị Quốc hội sớm đưa ra để thảo luận và thông qua.