Đề nghị sửa đổi Luật Điện ảnh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2009 (Luật Điện ảnh).
Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật Điện ảnh - Luật đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật - thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của điện ảnh nước nhà và nguyện vọng của các nghệ sĩ cũng như những người làm công tác điện ảnh.
Quá trình triển khai Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số quy định chưa phù hợp với thực tế hoặc đặc thù của hoạt động điện ảnh nên không có tính khả thi hoặc tính khả thi không cao, cụ thể:
Thứ nhất, nhiều quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động điện ảnh nên tính khả thi không cao: Một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh thiếu tính khả thi, chưa được thực hiện đầy đủ. Ví dụ: Chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh; chính sách ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh; chính sách đặc thù đối với các Đội chiếu phim lưu động; chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, phục vụ nhiệm vụ chính trị, trên thực tế, chưa được thực hiện triệt để do chưa có nguồn kinh phí hoặc không còn phù hợp với đường lối phát triển kinh tế đất nước.
Quy định “Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp” là không cần thiết, không còn phù hợp với thực tiễn. Định hướng quản lý của Nhà nước hiện nay là tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, chú trọng tăng cường kiểm soát đầu ra của sản phẩm.
Quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim” cho phép một công ty thực hiện đồng thời hai chức năng vừa phát hành vừa phổ biến phim, dẫn đến các công ty nhập khẩu lớn sở hữu hệ thống bao gồm nhiều cụm rạp đã chi phối thị trường chiếu phim, thực hiện thống lĩnh thị trường và thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép công ty nhỏ, yếu hơn.
Quy định một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành phim, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản và tàng trữ phim không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Một số quy định của Luật Điện ảnh chưa tương thích hoặc chồng chéo với các luật mới được ban hành. Cụ thể là: Quy định về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm” đã được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009; quy định về “Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh” đã được điều chỉnh tại Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018; Quy định “doanh nghiệp sản xuất phim” và “doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim” chưa tương thích với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020...
Thứ hai, một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện đặc thù của điện ảnh nên không khả thi hoặc chưa được thực hiện: Quy định về đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải thông qua hình thức đấu thầu không thực hiện được với lý do bản chất sản xuất phim không giống như công đoạn sản xuất hàng hóa tiêu dùng thông thường. Vì vậy, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo lần thứ 8 của Thông tư hướng dẫn đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng vẫn không thể thông qua để ban hành.
Quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Quỹ) còn chưa khả thi, do Luật Điện ảnh chưa quy định về mô hình hoạt động và nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả. Vì thế, từ năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hai lần trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Quỹ, nhưng đến nay Quỹ vẫn chưa được thành lập.
Quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đầy đủ quy trình để cấp phép thủ tục hành chính. Tuy nhiên từ khi Luật Điện ảnh ra đời đến nay chưa có giấy phép nào được cấp do không phù hợp với nhu cầu hoạt động điện ảnh nên không phát sinh hồ sơ.
Thứ ba, qua 14 năm thực hiện có một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung trong Luật Điện ảnh (sửa đổi): Luật Điện ảnh chưa quy định việc lưu trữ, sử dụng, khai thác với mục đích bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục đối với phim kỹ thuật số.
Luật Điện ảnh chưa quy định cơ chế nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất phim của các doanh nghiệp Việt Nam, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam.
Một số quy định của Luật Điện ảnh còn chưa cập nhật với tình hình phát triển của nền kinh tế thị trường hoặc chưa có quy định nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Cụ thể: Luật Điện ảnh hiện hành chưa quy định được chính sách (hay hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ điện ảnh dân tộc, hạn chế tác động bất lợi của các Hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế đặc biệt là Hiệp định thương mại WTO.
Luật Điện ảnh chưa quy định cụ thể đến phương thức phát hành phim qua vệ tinh, trên internet đối với các nhà phát hành có máy chủ đặt tại Việt Nam, cũng như cũng chưa đề cập đến phương thức phát hành phim xuyên biên giới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chỉnh sửa, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, qua đó tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, cùng nhau đóng góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-nghi-sua-doi-luat-dien-anh/418553.vgp