Đề nghị tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư điện mặt trời tại Ninh Thuận
Các dự án nằm trong diện tạm dừng, giãn tiến độ là các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng.
Theo kết luận thanh tra về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bản tỉnh Ninh Thuận, việc triển khai công tác lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đất cấp tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ, chất lượng có mặt hạn chế; khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng điện mặt trời trên địa bàn.
Trình tự, thủ tục một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất còn thiếu sót, khuyết điểm như diện tích sử dụng đất của dự án không phù hợp với diện tích đất trong quy hoạch sử dụng; một số dự án điện mặt trời sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, 7 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận nhưng chưa được Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối.
Căn cứ thực trạng hạ tầng lưới truyền tải điện và tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lưới điện truyền tải, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với các nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng.
Điều này nhằm hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại.
Trước mắt, đảm bảo 15 dự án đã vận hành thương mại và 5 dự án hoàn thành trong năm 2019 được giải tỏa 100% công suất.
Các dự án đang “treo” cần được rà soát, xử lý theo quy định; Bộ Công thương xem xét thẩm định đối với các dự án có khả năng giải tỏa 100% công suất. Các dự án bổ sung quy hoạch còn lại căn cứ vào khả năng giải tỏa công suất của hệ thống hạ tầng truyền tải điện đã đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thủy lợi, tỉnh Ninh Thuận được yêu cầu lấy ý kiến chủ đầu tư công trình thủy lợi để không ảnh hưởng tới hiệu quả của công trình thủy lợi; đồng thời rà soát các dự án có khả năng cung cấp nước tưới phải kết hợp đầu tư phát triển điện mặt trời với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
Đầu năm ngoái, Việt Nam đã chứng kiến cơn sốt năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời khi các dự án chạy đua với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 nhằm hưởng mức giá ưu đãi.
Là điểm cực Nam của Trung Bộ với khí hậu khô hạn, gió to và nắng nóng gay gắt, Ninh Thuận sở hữu điều kiện tự nhiên đầy lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo và trên thực tế, đã trở thành điểm nóng thời gian qua.
Sự đổ bộ nhanh chóng của các nhà đầu tư đã khiến hệ thống truyền tải không đáp ứng kịp, nhiều dự án phải giảm phát. Theo báo cáo từ UBND tỉnh Ninh Thuận 6 tháng đầu năm nay, mức giảm phát có giai đoạn lên tới 60% và hiện đã được giảm về mức 30% nhờ kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500kV và các dự án hạ tầng truyền tải khác.
Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 25 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.577MW, 4 dự án điện gió hơn 181MW.