Đề nghị tăng mức chi cho vụ việc hòa giải ở cơ sở
Nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP theo hướng tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc; xem xét nâng mức chi cho vụ, việc hòa giải ở cơ sở cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Hòa giải cơ sở là nhiệm vụ quan trọng
Theo báo cáo tại buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân về công tác hòa giải ở cơ sở, 9 tháng đầu năm 2021, xã Phú Châu, huyện Ba Vì chú trọng vào công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và hòa giải ở cơ sở. Xã đã thực hiện hòa giải thành 10 trên 14 vụ việc, góp phần giảm đáng kể khiếu kiện vượt cấp, gìn giữ tình làng ngõ xóm.
Để hòa giải thành công, cán bộ cơ sở và xã phải thường xuyên nắm bắt ý kiến, kiến nghị bức xúc của Nhân dân, phát hiện sớm vụ việc và hòa giải ngay khi mâu thuẫn xảy ra; Những vụ việc không thuộc thẩm quyền ở cơ sở thì khi đến cấp nào thì cấp đó phải giải quyết nhanh chóng cho Nhân dân, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, xã cần cung cấp tài liệu, văn bản liên quan về công tác hòa giải khi có sự thay đổi, sửa đổi, bổ sung. Bộ phận chuyên môn của xã phải kiểm soát, cung cấp thông tin, định hướng khi xảy ra tranh chấp đất đai giữa các hộ dân và phối hợp trong hòa giải. Đặc biệt, các hòa giải viên và đại biểu xã Phú Châu đều thẳng thắn chia sẻ về chế độ cho công tác hòa giải cơ sở còn thấp…
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì cho biết, hòa giải cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy Đảng, chính quyền, cấp ủy chi bộ, Ban Công tác Mặt trận ở xã Phú Châu phải luôn xác định càng hòa giải tốt ở cơ sở thì mọi khiếu kiện vượt cấp càng ít xảy ra, tình làng nghĩa xóm được bền chặt, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, chị Nguyễn Thị Việt Hà, cán bộ tư pháp phường cho biết, phường có 16 tổ hòa giải, trung bình mỗi tổ có 3-5 hòa giải viên. Các tháng đầu năm 2021, phường có trên 10 vụ việc hòa giải và 100% hòa giải thành.
Bà Vũ Thị Hạnh, tổ trưởng tổ hòa giải ở phường Hà Cầu là một trong những người làm tốt công tác hòa giải cơ sở chia sẻ: “Công tác hòa giải khó khăn và rất vất vả, chiếm nhiều thời gian, bất kể đêm hôm... Tuy nhiên, chi phí cho hòa giải viên còn thấp, mong rằng các cấp, các ngành xem xét tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên để phù hợp với tình hình thực tế”.
Sẽ có giải pháp đảm bảo kinh phí thực hiện hòa giải ở cơ sở
Trước đó, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30-7-2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Việc sửa đổi theo hướng tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc; xem xét nâng mức chi cho vụ việc hòa giải ở cơ sở cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Trả lời kiến nghị của địa phương, Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động hòa giải là hoạt động tự quản, tự nguyện của Nhân dân. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích, động viên các hòa giải viên - những người đang làm việc tự nguyện vì cộng đồng.
Tại thời điểm xây dựng Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP, mức chi thù lao cho hòa giải viên được đề xuất dựa trên tỷ lệ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu chung từ năm 2010 đến năm 2014 có so sánh, đối chiếu với mức chi của các lĩnh vực có tính chất tương tự và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Đến nay, mức lương tối thiểu chung đã tăng so với thời điểm ban hành Thông tư. Nhiều nội dung chi và mức chi quy định tại Thông tư được viện dẫn tới các văn bản pháp luật khác đã được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể: Nội dung chi công tác phí, chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề, hội nghị tổng kết, sơ kết, triển khai công tác hòa giải ở cơ sở… được thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06-7-2010 đã được thay thế bởi Thông tư số 40/2017/TTBTC.
Chi tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quản lý về hòa giải cơ sở, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, giải pháp thực hiện các Chương trình, Đề án được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLTBTC-BKHCN ngày 07-5-2007 đã được thay thế bởi Thông tư 55/2015/TTBKHCN…
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định “Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao. HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của mỗi cấp trên địa bàn. Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” (khoản 3, khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước).
Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của các địa phương đã được tổng hợp tại báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp cho biết, đang nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các giải pháp để đảm bảo điều kiện về kinh phí thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới và đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BT.