Đề nghị truy tố 26 bị can trong vụ buôn lậu 1.282 container máy móc, thiết bị cũ

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 bị can vì liên quan vụ án nguyên cán bộ Đội phòng chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03), Công an TPHCM tiếp tay buôn lậu 1.282 container là máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam tiêu thụ.

Ngày 23-9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 bị can vì liên quan vụ án cựu cán bộ Đội chống buôn lậu tiếp tay buôn lậu hơn 1.000 container là máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam tiêu thụ.

Trong 26 bị can có Hoàng Duy Tiến, cựu cán bộ Đội 7, PC03, Công an TPHCM là chủ mưu; Võ Văn Đông (nguyên cán bộ PC03); Huỳnh Thị Quỳnh Trang (kế toán); Phan Minh Tuấn; Nguyễn Thanh Bình; Lâm Hồng Đào; Trần Xuân Duận (Công ty CP giám định Đại Minh Việt)... Tất cả các bị can bị đề nghị truy tố về hành vi "Buôn lậu".

Kết luận điều tra xác định: Đây là vụ án vụ án “buôn lậu” do Hoàng Duy Tiến và đồng bọn thực hiện trong thời gian dài. Nhóm bị can đã nhập lậu số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam.

Hoàng Duy Tiến móc nối với chủ hàng để nhập trái phép máy móc cũ và thiết bị từ Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để buôn bán nhằm thu lợi bất chính. Hoàng Duy Tiến và nhân viên của Tiến đã trực tiếp sử dụng pháp nhân của công ty do Hoàng Duy Tiến và nhân viên của mình thành lập để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng được Tiến và đồng phạm điều chỉnh để đủ điều kiện. Chỉ sản xuất được nửa năm trong thời gian từ 2014 - 2015, mục đích nhập là để phục vụ hoạt động sản xuất. Sau đó, để hàng hóa làm thủ tục thông quan, Hoàng Duy Tiến móc nối với Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt lập biên bản giám định hàng hóa, cấp giấy xác nhận với nội dung sai sự thật, cung cấp cho hải quan đủ thủ tục thông quan theo quy định.

Kết luận điều tra thể hiện, đối với các bị can là nhân viên của Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt, mặc dù không thỏa thuận với Hoàng Duy Tiến về việc nhập máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị can đều là giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban giám định, bộ phận, giám định viên hoàn toàn biết và buộc phải biết các quy định. Tuy nhiên, các bị can đã bất chấp quy định của pháp luật, sao y bản chính, cấp phát số lượng lớn giấy chứng nhận.

Nhờ đó, Hoàng Duy Tiến và đồng phạm có thể hợp thức hóa hồ sơ thông quan một cách thuận lợi.

Đối với các bị can là chủ hàng của Hoàng Duy Tiến, do cần tiền mua bán máy móc thiết bị cũ kiếm lời nên đã móc nối, thỏa thuận với Tiến để tuồn hàng về Việt Nam, sau đó giao lại cho bị can mua bán, không có máy móc thiết bị nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh. Vì vậy, hành vi của các bị can được xác định là đồng phạm với Hoàng Duy Tiến.

Kết luận điều tra xác định hành vi của các bị can là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất nhập khẩu, đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//de-nghi-truy-to-26-bi-can-trong-vu-buon-lau-1282-container-may-moc-thiet-bi-cu-843777.html