Đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 26 bị can

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND tối cao truy tố 27 bị can, trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra Vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND tối cao truy tố 27 bị can.

Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Văn Thuấn, Hoàng Văn Khoa. Ảnh: BCA

Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Văn Thuấn, Hoàng Văn Khoa. Ảnh: BCA

Trong số 27 bị can trên, bị can Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương) bị đề nghị truy tố về 3 tội: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường, quy định tại khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 221 và khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự.

Bị can Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương) bị đề nghị truy tố 2 tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự.

Bị can Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) bị đề nghị truy tố 2 tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quy định khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 7 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự gồm: bị can Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT); Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản – Bộ TNMT); Hoàng Văn Khoa (cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và khoáng sản); Hồ Đức Hợp (cựu Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái); Lê Duy Phương (cựu chuyên viên chính Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và khoáng sản); Lê Công Tiến (cựu Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái); Bùi Đoàn Như (cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TNMT tỉnh Yên Bái).

 Bị can Hồ Đức Hợp (bên trái) và Lê Công Tiến. Ảnh: BCA

Bị can Hồ Đức Hợp (bên trái) và Lê Công Tiến. Ảnh: BCA

Hai bị can bị đề nghị truy tố về tội Gây ô nhiễm môi trường, quy định tại khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự gồm: Nguyễn Văn Lai (Phó Giám đốc điều hành Xưởng nghiền, tuyển quặng đất hiếm thuộc Nhà máy sản xuất, chế biến đất hiếm của Công ty Thái Dương) và Lê Văn Cẩn (Quản đốc Xưởng thủy luyện đất hiếm thuộc Nhà máy sản xuất, chế biến đất hiếm của Công ty Thái Dương).

Có 7 bị can bị truy tố tội Buôn lậu, quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự gồm: Đỗ Hạnh Hương (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Phạm Xuân Hậu (Nhân viên Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Phạm Thị Yến (Nhân viên Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Nguyễn Thanh Đoàn (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương Binh Trường Sơn); Vũ Thị Tuyết (lao động tự do); Trần Đức (Giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics); Trần Như Hoàng (nhân viên Công ty TNHH Dương Liễu Logistics).

Bị can Lưu Vũ (LIU YU, Trung Quốc) bị đề nghị truy tố tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định tại khoản 4 Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Có 6 bị can bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự gồm: Đặng Trần Chí (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hợp Thành Phát); Phạm Thị Hà (Kế toán Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hợp Thành Phát); Trương Thị Hiển (Kế toán Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Nguyễn Anh Sơn (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sơn Anh Phú Thọ); Đoàn Hải Nam (Trưởng phòng vật tư Công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương); Đỗ Khánh Toàn (Phó Giám đốc Công ty TNHH Atexim).

 Bị can Bùi Đoàn Như (bên trái) và Lê Duy Phương. Ảnh: BCA

Bị can Bùi Đoàn Như (bên trái) và Lê Duy Phương. Ảnh: BCA

Đề nghị truy tố bị can Nguyễn Quang Mạnh (Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú thuộc Công ty Thái Dương) về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Theo Kết luận điều tra, Công ty Thái Dương được Bộ TNMT cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 927 ngày 13/6/2013, cho phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, Yên Bái.

Sau khi được cấp phép, Công ty Thái Dương đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giấy phép được cấp.

Trong thời gian từ năm 2019 – 2023, Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám dốc Công ty Thái Dương) đã tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng; trong số đó, đã bán trái phép 10.292 tấn tinh quặng đất hiếm và hơn 280.846 tấn tinh quặng sắt, thu lợi bất chính số tiền hơn 736 tỉ đồng.

Trong quá trình chế biến đất hiếm, Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo nhân viên bơm, xả, đổ trái pháp luật ra môi trường hơn 348 tấn bùn thải quặng đuôi và 2.425 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải.

Khi bán quặng đất hiếm và quặng sắt, Đoàn Văn Huấn chỉ đạo nhân viên Công ty Thái Dương xuất hóa đơn một phần, với đơn giá thấp hơn đơn giá thực tế mua bán, không kê khai nộp thuế, để ngoài sổ kế toán hơn 27 tỉ đồng, gây thiệt hại tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng.

Vũ Phương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/truy-to/de-nghi-truy-to-cuu-thu-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-cung-26-bi-can-172400.html