Đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn
Sáng 21-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.
Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra Dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, còn một số vấn đề khác cả ở trong giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… đang gặp vướng mắc, khó khăn trong thực hiện. Do đó, đề nghị nghiên cứu mở rộng việc sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung để kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, khó khăn này.
Theo Tờ trình và dự thảo Luật, Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan trình trong việc tiếp thu, chỉnh lý. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng như ý kiến ở nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1. Cách làm như vậy cũng sẽ bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan, bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra, phù hợp với nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp.
Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Dự thảo Luật cũng bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật nhưng cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung, vì cho rằng trong trường hợp cần thiết ban hành văn bản liên tịch thì chỉ cần hoặc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc là Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành văn bản để thực hiện là đủ.
Dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước được ban hành thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng. Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với dự thảo Luật.
Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với việc bổ sung các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; bổ sung thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn như trong dự thảo Luật. Đồng thời nhận thấy, trong Luật hiện hành chưa quy định rõ về thời điểm và quy trình, thủ tục quyết định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 147, chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội; khi Quốc hội chưa quyết định thì các cơ quan không được thực hiện theo quy trình này.
Vì vây, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng cơ quan trình phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn ngay từ khi đề xuất đưa dự án vào Chương trình. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự án vào Chương trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định luôn việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng hình thức, trình tự, thủ tục, nội dung theo quy định.