Đề nghị xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ lộ trình của việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (TTĐB). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng thêm các đối tượng chịu thuế như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Bên cạnh đó, riêng với mặt hàng bia, rượu đã chịu thuế TTĐB từ trước, nay Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất điều chỉnh mức thuế theo chiều hướng tăng để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

 Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ lộ trình của việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. (Ảnh: VV)

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ lộ trình của việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. (Ảnh: VV)

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ lộ trình của việc tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.

Đơn cử, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất đến năm 2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

“Khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế TTĐB, chúng tôi đề nghị cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu Thuế TTĐB”, ông Việt nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất sửa đổi chính sách tại dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đối với sản phẩm rượu, bia thuộc nhóm đồ uống có cồn.

“Đây là những mặt hàng chịu tác động nhiều nhất trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách pháp luật như Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Luật Đầu tư, nhất là kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực”, bà Quỳnh Anh nói.

Theo luật sư, khi điều chỉnh tăng Thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; và đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh cho rằng việc Nhà nước tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỉ lệ như hiện nay, đồng thời có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, thì một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam.

Cũng nói về vấn rượu, bia, TS Cấn Văn Lực, chuyên giá kinh tế đánh giá: Hiện nay, Thuế TTĐB đang áp dụng với rượu từ 35 đến 65% (tùy loại), bia là 65%.

Thời gian qua, Thuế TTĐB đã được điều chỉnh tăng lên cùng với việc Chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế rượu bia như Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định về xử phạt lái xe mà trong máu và hơi thở có cồn đã phần nào hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người theo số liệu của năm 2021.

“Do đó, việc đề xuất theo hướng tăng thuế đối với như dự thảo có thể là phù hợp, nhưng cần tính đến lộ trình và thời điểm tăng thuế suất phù hợp, nhất là hiện nay lĩnh vực này đang rất khó khăn”, ông Lực nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-xem-xet-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-ruou-bia-post254875.html