Để nghiên cứu khoa học không cất ngăn bàn
Từ nghiên cứu đến sản phẩm được thương mại hóa là một hành trình rất dài với nhiều mắt xích. Ở mỗi khâu lại cần sự tháo gỡ bởi có nhiều bất cập bủa vây các nghiên cứu khoa học.
Các nhà khoa học đang làm việc tại viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) có nhu cầu được chuyển giao công trình nghiên cứu ứng dụng vào đời sống. Nhưng họ lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều khi phải tìm cách lách mới thông.
Chuyển giao công nghệ
PGS.TS Lê Thị Nhi Công, Trưởng phòng Công nghệ Sinh học, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chia sẻ, quá trình thương mại hóa công trình nghiên cứu đối với nhà khoa học gồm rất nhiều công đoạn. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm sản phẩm nào tốt để chọn. Nhiều nhà khoa học muốn chuyển giao công trình khoa học nhưng đang vướng cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Thậm chí, doanh nghiệp đưa ra giá rất cao nhưng cũng không thể chuyển giao được nên họ không còn mặn mà. Họ sẽ tìm những sản phẩm tương tự nhưng thực hiện nhanh gọn hơn về mặt thủ tục.
Việc định giá sáng chế là một trong những công đoạn nhà khoa học gặp khó khăn dù đã có sự hỗ trợ từ Viện định giá. Khi đã được chuyển giao, đơn vị chủ quản của tác giả sẽ trả tác quyền 15-20%, phần còn lại sẽ phải bàn giao về ngân sách nhà nước vì là đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, lãnh đạo các cơ quan chủ quản của các nhà khoa học “mua thêm việc” nên sẽ có đơn vị không ủng hộ nhà khoa học chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.
Có khi chính các nhà khoa học cũng ngại chuyển giao vì có nguy cơ vi phạm quy định của Nghị định 70 quy định việc quản lí, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. PGS Công cho hay, các công trình nghiên cứu của bà khi chuyển giao được cơ quan ủng hộ. Vì vậy, có khi chỉ mất thời gian khoảng 7 tháng. Từ kinh nghiệm thực hiện thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, bà Công cho rằng, các tác giả nên đăng kí quyền bảo hộ sáng chế để chuyển giao.
“Không thực hiện đăng kí quyền bảo hộ sáng chế, sự chuyển giao giống như làm chui. Có thể doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ được lợi vì giảm chi phí. Nhưng tác giả không được bảo hộ bởi luật pháp, không có căn cứ để đánh giá, định giá sản phẩm. Các doanh nghiệp sử dụng cũng có thể rơi vào tình trạng sở hữu, khai thác không hợp pháp”, bà Công nói.
Ông Lê Huy Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, cho biết, các nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực y dược rất ít quan tâm tới hoạt động sáng chế tạo ra sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cộng đồng. Người nộp đơn sáng chế y dược chủ yếu là người nước ngoài. Ông Anh cho biết, những năm gần đây, tình hình nộp đơn đăng kí sáng chế ở Việt Nam có những tiến triển đáng kể. Trong giai đoạn 2005-2023, Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 18.500 đơn đăng kí sáng chế, trong đó đơn sáng chế lĩnh vực y dược chiếm gần 18%. Riêng năm 2023, tổng số đơn sáng chế được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ là 10.294, lĩnh vực y dược là 1.446 (chiếm tỉ lệ 14%).
Đơn sáng chế y dược chủ yếu là của người nước ngoài. Giai đoạn 2005-2023, người Việt Nam có đơn sáng chế y dược chỉ chiếm 10,6%. Riêng năm 2023, tỉ lệ đơn sáng chế y dược của người Việt Nam đạt mức cao nhất - trên 18%.
Tỉ lệ được cấp bằng bảo hộ cho đơn sáng chế trong lĩnh vực y dược của người Việt Nam cũng không cao (27,7% trong giai đoạn 2005-2023), điều này cho thấy chất lượng giải pháp đăng kí còn hạn chế.
Doanh nghiệp đặt hàng
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Công nghệ mới Nhật Hải, có 135 sáng chế công nghệ nano cho ngành dược, trong đó có 1 sáng chế được Mỹ cấp là hợp tác với Trường ĐH Y Hà Nội. Theo ông Minh, sự hợp tác này là tất yếu vì đem lại hiệu quả chuyên nghiệp. Ông Minh khởi động làm sáng chế công nghệ nano từ 2009-2014. Năm 2016 có sáng chế đầu tiên và số tiền tiêu tốn là 3 tỷ đồng trong 7 năm với 5 người nghiên cứu. Hiện nay, cty của ông Minh trung bình 1 năm nộp 19-25 sáng chế với chi phí đầu tư khoảng 200-300 triệu đồng/sáng chế cho 2 tác giả. Các doanh nghiệp tư nhân luôn tối ưu hóa nguồn lực, tận dụng sáng chế để mang lại hiệu quả. Nhưng điều ông Minh đau đáu là tại Việt Nam, Cty chỉ có thể mua được 2 hoạt chất chiết xuất, còn lại phải nhập khẩu.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ĐH Quốc gia Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng nhưng câu chuyện đặt ra là sau khi nghiên cứu, ai sẽ thương mại hóa và thương mại hóa như thế nào? Ông lấy ví dụ năm 2023, có những đề tài mất mấy tỷ đồng nhưng các giảng viên chưa trả lời được câu hỏi “nghiên cứu ra để làm gì?”. Các nhà khoa học chỉ mới nghiên cứu ra rồi để đấy, rất lãng phí cả về công sức và cả ngân sách. Do đó, ông Quân cho rằng, cần kết nối, bắt đầu từ việc đặt hàng của doanh nghiệp.
“Có những nhà khoa học tôi gặp, hàng chục năm nay vẫn loay hoay với nghiên cứu của mình. Họ nghiên cứu ra nhiều cái hay, cái tốt nhưng những thứ ấy lại không bán được”, ông Quân nói. Cùng một sản phẩm nhưng cách thức tiếp cận thị trường rất quan trọng. Vậy nên, nhà khoa học cần chọn sản phẩm gần hơn với doanh nghiệp, thị trường.
Ông Quân cho rằng, để hiện thực hóa những ý tưởng nghiên cứu đó, cần có diễn đàn, nơi kết nối những doanh nghiệp, chuyên gia về quản lí với các nhà khoa học và sinh viên, tiến tới mục tiêu quản lí vận hành, đưa các sản phẩm nghiên cứu từ phòng nghiên cứu ra thị trường. Các sản phẩm nghiên cứu được chọn cần gắn liền với thực tiễn, có thể thương mại hóa và tạo nên giá trị cho xã hội.
Anh hùng lao động Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, chia sẻ, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều vấn đề nảy sinh rất cần sự tư vấn, hỗ trợ, đồng hành của nhà khoa học. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin, thiếu kênh kết nối là hạn chế khiến doanh nghiệp - nhà trường - nhà khoa học chưa kết nối được với nhau. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học đã đem lại giá trị gia tăng và góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghien-cuu-khoa-hoc-khong-cat-ngan-ban-post1702397.tpo