Để ngư dân không khai thác thủy sản bất hợp pháp trong quá trình hành nghề

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh không có tàu cá vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề khai thác hải sản trên biển. Có được kết quả đó nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Trong đó, BĐBP Hà Tĩnh là một trong những đơn vị chủ công, đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát việc chấp hành của các phương tiện hành nghề trên biển.

Tổ công tác Đồn Biên phòng Kỳ Khang tuyên truyền pháp luật, tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho ngư dân. Ảnh: Viết Lam

Tổ công tác Đồn Biên phòng Kỳ Khang tuyên truyền pháp luật, tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho ngư dân. Ảnh: Viết Lam

Tỉnh Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137km, nhiều cửa sông, lạch, vùng biển với nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.716 tàu cá, với gần 15.000 lao động hành nghề đánh bắt trên biển, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, cũng như không ít địa phương khác của nước ta, nhiều năm về trước, một bộ phận ngư dân tỉnh Hà Tĩnh vẫn sử dụng các hình thức hành nghề bị pháp luật nghiêm cấm. Chính điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên môi trường biển và tác động xấu đến uy tín, giá trị kinh tế của mặt hàng thủy sản của nước ta trên trường quốc tế. Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chung sức cùng các địa phương khác gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản nước ta.

Ngay từ đầu, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo IUU cấp tỉnh để đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc. Các lực lượng nòng cốt như BĐBP, Công an, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý các cảng cá, các địa phương ven biển... được phân công công việc cụ thể để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và chính quyền địa phương, BĐBP Hà Tĩnh đã xác định công tác phòng chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đại tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch với biện pháp thực hiện rất cụ thể để đôn đốc các đơn vị thực hiện. Các đơn vị, đồn Biên phòng tuyến biển bám sát tình hình địa bàn và trên biển, có kế hoạch riêng tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, BĐBP Hà Tĩnh chú trọng phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của tàu thuyền khi làm thủ tục ra vào bờ, hành nghề trên biển”.

Tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa Sót kiểm tra giấy tờ của tàu cá trong quá trình hành nghề trên vùng biển. Ảnh: Minh Toàn

Tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa Sót kiểm tra giấy tờ của tàu cá trong quá trình hành nghề trên vùng biển. Ảnh: Minh Toàn

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được BĐBP Hà Tĩnh thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền tập trung cho ngư dân khi bà con vào bờ tránh trú bão, tuyên truyền đến tận chủ tàu, thuyền trưởng khi làm thủ tục ra khơi hành nghề; phát tờ rơi, xây dựng các cụm pa nô có nội dung ngắn gọn, dễ nhớ tại khu vực cảng cá... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị của BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với các địa phương, các lực lượng, tổ chức tuyên truyền 190 buổi/35.202 lượt người nghe, phát 1.920 tờ rơi, trao tặng 1.100 lá cờ Tổ quốc, 120 ảnh Bác Hồ, trên 800 áo phao và phao tròn cho bà con ngư dân.

“Suốt quá trình dài được BĐBP, các lực lượng chức năng tuyên truyền, chúng tôi hiểu rõ phải có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển. Có như vậy mới giữ nguồn sinh kế lâu dài cho chính mình và con cháu sau này. Không chỉ tự giác chấp hành nghiêm các quy định, bà con địa phương cũng sẵn sàng trình báo đồn Biên phòng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý các phương tiện có hành vi khai thác bị pháp luật cấm” - Ngư dân Nguyễn Văn Hồng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho biết.

Cùng với công tác tuyên truyền pháp luật, BĐBP Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành quy định của tàu thuyền khi làm thủ tục xuất bờ và hành nghề trên biển. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP Hà Tĩnh đã tổ chức tuần tra trên biển, cửa sông, cửa lạch 522 đợt/69 lượt phương tiện, qua đó, phát hiện, xử lý 19 vụ/20 phương tiện/19 đối tượng vi phạm về đánh bắt sai vùng, sử dụng ngư lưới cụ sai quy định. Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, nhưng việc tàu cá của tỉnh Hà Tĩnh vi phạm các quy định chống khai thác IUU trong quá trình hành nghề vẫn tiềm ẩn diễn ra.

Cụ thể, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Hà Tĩnh, vẫn còn hơn 1.000 tàu cá của địa phương có nguy cơ cao vi phạm. Các tàu chủ yếu đã hết hạn các loại giấy phép theo quy định của Luật Thủy sản như: Giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá... Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn niêm yết công khai danh sách số tàu cá trên. Trên cơ sở đó, yêu cầu UBND các huyện và thị xã ven biển chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát vị trí neo đậu của các tàu cá và xác định rõ nguyên nhân. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu có giải pháp chấp hành nghiêm các quy định hành nghề. Đối với BĐBP Hà Tĩnh, tiếp tục chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng ven biển tăng cường kiểm tra tàu cá trước khi xuất lạch; tuyệt đối không cho tàu cá ra khơi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-ngu-dan-khong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-trong-qua-trinh-hanh-nghe-post478186.html