Đề Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong SGK, giáo viên phải thay đổi đầu tiên
Đề kiểm tra, giáo án môn Ngữ văn của một bộ phận giáo viên bây giờ có tình trạng 'sao chép nội dung tài liệu có sẵn', na ná như nhau.
Theo hướng dẫn của Công văn 3935/BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn nhằm giúp cho học sinh làm quen với định hướng đề thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thực ra các lớp đang dạy chương trình 2018 đã thực hiện 2 năm học vừa qua.
Bởi, ngày 21/ 7/ 2022, Bộ đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, Bộ đã yêu cầu: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Người viết là một giáo viên Ngữ văn bậc Trung học cơ sở xin chia sẻ đôi điều xung quanh nội dung này. Từ thực tế quan sát, người viết nhận thấy, muốn học sinh “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” thì việc đầu tiên phải thay đổi từ chính những thầy cô đang dạy môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Thầy cô có sao chép nội dung tài liệu có sẵn hay không?
Bắt đầu từ năm học 2021-2022, cấp Trung học cơ sở bắt đầu triển khai chương trình 2018 ở lớp 6; năm học 2022-2023 triển khai ở lớp lớp 7, 10; năm học 2023-2024 triển khai ở lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 tới đây, 2 cấp trung học sẽ triển khai xong chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 9 và lớp 12
Từ năm học 2022-2023 cho đến nay, việc kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn được thực hiện theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, đó là “các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.
Bên cạnh những giáo viên tiên phong, có đầu tư cho việc xây dựng đề kiểm tra và hướng học sinh tới việc phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu chương trình 2018 đã đề ra, một bộ phận không ít giáo viên còn lại chưa thực sự đổi mới.
Ví dụ, có giáo viên khi được phân công ra đề kiểm tra định kỳ nhưng lại sao chép trên mạng internet; cho đi, xin lại đề kiểm tra với giáo viên các đơn vị bạn; hoặc lấy lại những đề kiểm tra định kỳ đã được các đơn vị trong huyện xây dựng trong dịp tập huấn được hội đồng bộ môn tập hợp, gửi lại cho các nhà trường tham khảo.
Một tổ trưởng tổ Ngữ văn cấp Trung học cơ sở chia sẻ với người viết: “Tổ chuyên môn của tôi có đến 14 giáo viên. Hằng năm, bản thân tôi phải duyệt 32 đề kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) và 4 đề kiểm tra Nội dung giáo dục địa phương. Trong số này, chỉ có 1 số ít đề kiểm tra được giáo viên tự làm và có đầu tư.
Phần nhiều, đề lấy trên mạng internet vì khi duyệt bất cứ đề kiểm tra nào, việc đầu tiên tôi làm là tra google bằng cách đọc 1đoạn đề đọc hiểu rồi so sánh đề giáo viên trong tổ ra với đề trên mạng sẽ phát hiện ra đề có sao chép hay không.
Có điều, môn Ngữ văn hiện nay có tới 3 bộ sách giáo khoa và 3 bộ sách này không phải đều đồng nhất kiến thức với nhau. Nhưng, vì một số giáo viên lấy đề trên mạng internet nên không chú ý các đơn vị kiến thức trong phần đọc hiểu và phần viết, cứ thấy đề kiểm tra cuối kỳ, hoặc giữa kỳ là lấy về.
Hơn nữa, đề trên mạng internet chỉ có phần đề kiểm tra và đáp án (hướng dẫn chấm), không có ma trận và bảng đặc tả. Vậy nên, khi so sánh bảng ma trận, bảng đặc tả với đề kiểm tra; hoặc so sánh đơn vị kiến thức trong đề kiểm tra và đơn vị kiến thức đã học trong chương trình nhiều khi không ăn nhập với nhau.
Vì thế, có đề kiểm tra không đạt yêu cầu, sai kiến thức, phải yêu cầu làm lại đến lần thứ 3 mà vẫn sai sót.
Có trường hợp khi duyệt đề, đọc mãi đến phần hướng dẫn chấm thấy tên trường khác, huyện khác. Thì ra, giáo viên trong tổ xin đề của giáo viên huyện khác mà chưa sửa hết vì mỗi đề Ngữ văn có nhiều phần: liệt kê đơn vị kiến thức; ma trận, bảng đặc tả; đề; hướng dẫn chấm dài đến cả gần chục trang giấy.
Có trường hợp duyệt đề trường mình xong, kiểm tra xong, cứ tưởng mọi thứ đã tốt đẹp. Về nhà, thấy con học ở trường khác đem đề kiểm tra Ngữ văn về (sau khi kiểm tra) mà giống y chang đề trường mình, chỉ khác tên cơ quan chủ quản.
Có đề kiểm tra được một đơn vị bạn xây dựng hôm tập huấn tập trung cả huyện, đề là sản phẩm của đơn vị bạn và đã được hội đồng bộ môn góp ý, chỉnh sửa, gửi về cho các trường tham khảo. Nhưng, khi duyệt kiểm tra ở trường mình lại thấy có đề này…”.
Thời đại công nghệ thông tin, 1 đề kiểm tra định kỳ có thể dịch chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trường này sang trường khác, từ năm này sang năm khác. Nhưng, nó luôn hiện hữu trên mạng internet. Vì thế, giáo viên lấy được thì học sinh cũng có thể lấy được để giải thử trước khi kiểm tra. Vô tình, đến ngày kiểm tra ở trường, học sinh lại “trúng tủ”.
Ngoài ra, các lớp dạy thêm, giáo viên cũng lấy đề trên mạng cho học sinh làm thử, hướng dẫn. Vô tình, giáo viên khác được giao ra đề lấy đề này nộp cho trường. Thế là, học sinh lại mừng ra mặt khi thấy đề kiểm tra mình đã làm rồi, giờ lại là đề kiểm tra chính thức.
Không chỉ đề kiểm tra mà giờ đây kế hoạch bài dạy (giáo án) môn Ngữ văn của từng bộ sách cũng có giáo viên rơi vào tình trạng này.
Bởi lẽ, mỗi môn học có hàng chục trang mạng xã hội được lập ra để bán giáo án, bán đề kiểm tra, bán sáng kiến kinh nghiệm. Ngồi soạn giáo án mỗi lớp mất rất nhiều thời gian. Vì thế, giáo viên bỏ tiền mua, hoặc chung tiền mua. Rồi họ chia sẻ cho nhau giữa các thành viên trong tổ, chia sẻ từ đơn vị này sang đơn vị khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác qua zalo, qua email.
Vì vậy, đề kiểm tra, giáo án của một bộ phận giáo viên có tình trạng “sao chép nội dung tài liệu có sẵn”, na ná như nhau.
Muốn thay đổi môn Văn phải bắt đầu từ chính người thầy
Mục tiêu của việc kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay là “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh” mà Bộ đang hướng đến từ 2 năm học vừa qua là đúng, phù hợp với thực tiễn và chương trình môn học đã ban hành.
Đồng thời, “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” đã tồn tại suốt mấy chục năm qua.
Việc thay đổi này là cần thiết, bắt buộc thầy cô và học sinh học Văn cũng phải thay đổi theo hướng dẫn chung. Vì thế, vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương của người thầy rất quan trọng.
Trước yêu cầu đổi mới trong dạy và học Văn hiện nay, việc đầu tiên cần sự thay đổi của người thầy. Giáo viên cần tập trung dạy cho học sinh cách đọc hiểu những văn bản cùng thể loại trong sách giáo khoa một cách kĩ càng và hướng các em cách viết một bài văn theo một kiểu bài đã được học trong chương trình.
Ngay từ những lớp đầu cấp, giáo viên cần hướng học sinh biết phát huy phẩm chất, năng lực, tránh tình trạng gà bài, ôn đề trước, ngày kiểm tra chỉ là tái hiện lại. Giáo viên dạy các lớp đầu cấp phải hướng đến mục tiêu chung của môn học, không nên vì thành tích cá nhân mà chỉ lo lớp mình dạy để rồi lên lớp cuối cấp học sinh gặp bỡ ngỡ, khó khăn.
Bên cạnh đó, những năm học tới đây, các nhà trường, ngành giáo dục cũng thay đổi phương châm khi giao chỉ tiêu đầu năm học theo phương châm “năm sau cao hơn năm trước” khiến cho giáo viên ở một số trường phải tìm cách đối phó với chỉ tiêu được giao.
Muốn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn để xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết môn Ngữ văn được hiệu quả cần được thực hiện đồng bộ giữa các giáo viên, các nhà trường. Nhưng, trước hết phải là sự thay đổi của những thầy cô giáo đang dạy môn Ngữ văn ở các nhà trường.
Một khi thầy cô dạy Ngữ văn còn tình trạng đi xin đề kiểm tra; tải trên mạng internet về nộp cho trường; chỉ tiêu giao đầu năm cao ngất ngưởng thì việc thay đổi trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.